Ứng phó với bão số 3: Kiểm tra công tác phòng chống bão tại Thanh Hóa

20:58' - 18/07/2018
BNEWS Chiều 18/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cùng đoàn công tác đã kiểm tra công tác triển khai ứng phó với mưa lũ và cơn bão số 3 tại tỉnh Thanh Hóa.
[18/07/2018 19:22:24] Đầu giờ chiều 18/7/2018, ngư dân thành phố Sầm Sơn, Thanh Hoá hoàn tất việc di chuyển thuyền bè, ngư lưới cụ vào bờ tránh bão Sơn Tinh. Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN

Tại đây, Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao công tác chuẩn bị và ứng phó với cơn bão số 3 của chính quyền địa phương.

Trước khi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi kiểm tra đập Cẩm Hoàng (huyện Cẩm Thủy); Công trình nâng cấp, tu bổ đoạn đê hữu sông Chu thuộc địa phận xã Thọ Trường (huyện Thọ Xuân) và công tác tiêu úng tại huyện Triệu Sơn.

Qua kiểm tra, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đánh giá cao công tác bảo đảm an toàn thi công của các nhà thầu trong mùa mưa lũ và công tác tiêu úng các diện tích lúa mùa bị ngập nước trong những ngày gần đây.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với vùng áp thấp ngay trên vùng biển Thanh Hóa - Nghệ An, từ đêm 13/7 đến 13 giờ ngày 18/7, các khu vực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều có mưa vừa đến mưa to, tổng lượng mưa phổ biến từ 150 đến 456 mm, một số nơi có lượng mưa lớn, như: Tĩnh Gia 456,2 mm, Triệu Sơn 334 mm, Như Xuân 311,5 mm…

Mưa lớn trên diện rộng những ngày vừa qua đã gây thiệt hại về tài sản, công trình giao thông và gây ngập hơn 13.292ha lúa. Trong đó diện tích lúa ngập trắng là 4.233 ha, diện tích lúa ngập 2/3 cây là hơn 9.000 ha tập trung chủ yếu ở các huyện Tĩnh Gia, Đông Sơn, Triệu Sơn, Hoằng Hoá, Thiệu Hoá, Triệu Sơn ...

Trên địa bàn toàn tỉnh cũng có 465 hộ dân, 16 điểm dân cư bị ngập, 1 ngôi nhà bị đổ sập. Trên nhiều tuyến đường giao thông lớn của tỉnh bị sạt lở ta luy, như: Quốc lộ 15C, Quốc lộ 217, đường tỉnh 114 (từ Cầu Thiều đi Thượng Ninh), đường tỉnh 512D (từ thị trấn Mường Lát đi xã Mường Lý) bị sạt ta luy ở nhiều điểm.

Tuyến đường Tuần tra Biên giới bị sạt lở tại 90 vị trí với tổng khối lượng sạt lở khoảng 12.800 m3 và 150 cống, hố bị vùi lấp.

Tại Thanh Hóa đến thời điểm hiện tại có 16/45 hồ cơ bản đã đầy nước, còn lại các hồ thấp hơn ngưỡng tràn khoảng 1-2m. Hiện trên địa bàn có 124 hồ chứa không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ năm 2018, trong đó huyện Triệu Sơn có 8 hồ, Ngọc Lặc có 20 hồ, Thạch Thành 16 hồ ...

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão, tỉnh Thanh Hóa đã theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ và bão số 3, thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh ứng phó có hiệu quả, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan.

Các công ty khai thác công trình thủy lợi đã tích cực triển khai thực hiện việc tiêu nước đệm 24/24 giờ để bảo vệ diện tích lúa và hoa màu. Ngay từ 17 giờ ngày 17/7, Thanh Hóa đã kêu gọi 7.457 phương tiện tàu thuyền với 27.901 lao động vào nơi trú ẩn an toàn và giữ liên lạc bình thường.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã có các công điện chỉ đạo các địa phương ven biển thực hiện lệnh cấm biển, quản lý chặt chẽ việc neo đậu tàu thuyền, gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản, kiên quyết không để người dân ở lại trên các tàu thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ.

Các địa phương trong tỉnh cũng khẩn trương rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán người tại các vùng trũng thấp ven sông, ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở đất. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các công trình hồ đập, vận hành các công trình hồ chứa để bảo đảm các công trình và hạ du, không tích nước đối với hồ chứa không bảo đảm.

Thực hiện các biển pháp tiêu úng, chủ động phương án tiêu thoát nước… huy động các lực lượng, phương tiện tổ chức chằng chống, gia cố nhà cửa, công trình xây dựng; kiểm tra cụ thể phương án “4 tại chỗ”, chú trọng tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm, phương tiện cứu nạn để phòng trường hợp mưa lũ gây ra.

Phát biểu tại buổi làm việc vào chiều tối 18/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng đánh giá cao công tác chỉ đạo triển khai thực hiện để đối phó với mưa, lũ và bão số 3 của tỉnh Thanh Hóa.

Thứ trưởng cho rằng, Thanh Hóa là tỉnh có nhiều hồ đập, trong đó có nhiều hồ đập nhỏ nên địa phương phải túc trực 24/24 giờ, chỉ đạo vận hành hồ chứa để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du, không tích nước đối với các hồ chứa không đảm bảo an toàn, nhất là các hồ đập nhỏ.

Đối với các công trình đê điều đang tu bổ, gia cố, xử lý khẩn cấp phải tập trung cao độ thực hiện nhanh tiến độ, có phương án bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.

Thứ trưởng cũng yêu cầu tỉnh Thanh Hóa phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ và bão số 3, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do lơ là, chủ quan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục