Ứng phó với bão số 7: Thanh Hóa sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm

15:37' - 18/10/2016
BNEWS Đến sáng 18/10, tất cả phương tiện tàu thuyền đánh bắt xa bờ của ngư dân tỉnh Thanh Hóa đã tìm được nơi tránh trú bão số 7 an toàn.
Đoàn thanh niên giúp dân thu hoạch lúa mùa Để chủ động phòng chống cơn bão số 7. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN

Hiện chỉ còn 76 phương tiện tàu thuyền với 174 lao động đang hoạt động gần bờ biển trong tỉnh. Dự kiến chiều cùng ngày các phương tiện trên sẽ vào bờ an toàn.

Trước đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã kêu gọi 7.275 phương tiện nghề cá với 27.648 lao động vào nơi tránh trú an toàn. Tất cả các phương tiện trên đều giữ liên lạc với gia đình và các cơ quan chức năng.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiểm đếm, quản lý chặt chẽ hoạt động của các tàu thuyền, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể cả các tàu vận tải, tàu du lịch; đồng thời tổ chức hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú an toàn.

Đoàn thanh niên giúp dân thu hoạch lúa mùa Để chủ động phòng chống cơn bão số 7. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN

Ngành nông nghiệp tỉnh cũng huy động tối đa lực lượng lao động và phương tiện để thu hoạch các trà lúa đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Tính đến ngày 18/10, toàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hoạch được trên 116.000 ha lúa mùa, đạt trên 90% diện tích.

Hiện còn một số địa phương có tiến độ thu hoạch lúa mùa chậm như huyện Nga Sơn còn 900 ha, Tĩnh Gia 300 ha, Sầm Sơn 130 ha, Hà Trung 220 ha, Thiệu Hóa 150 ha.

Cán bộ khuyến ngư cũng hướng dẫn người dân chủ động thu hoạch thủy sản nuôi đã đủ kích thước thương phẩm, di chuyển lồng bè nuôi trồng thủy sản về vị trí an toàn.

Thanh Hóa ứng phó với bão số 7. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị cũng kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn cho các công trình hồ đập, đặc biệt là các công trình đang thi công dở. Đối với những hồ không đảm bảo an toàn, nhất là các hồ nhỏ yêu cầu không cho tích nước nhằm tránh tình trạng vỡ hồ chứa.

Riêng tuyến đê tả sông Hoàng (xã Quảng Vọng, huyện Quảng Xương) đang có sự cố sụt lún thân đê, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu UBND huyện Quảng Xương lên phương án bảo vệ an toàn cho tuyến đê này.

Các huyện, thị xã ven biển cũng đang rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực sát mép nước, cửa sông, ven biển khi có lệnh. Các huyện miền núi như Mường Lát, Quang Hóa, Bá Thước... rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập úng, sẵn sàng sơ tán dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục