Ứng phó với hạn mặn

13:11' - 25/02/2016
BNEWS Nếu mưa đến chậm, xâm nhập mặn có thể kéo dài đến tháng 6/2016. Trong thời kỳ này, vào những đợt triều cường mặn sẽ xâm nhập sâu.
Lúa chết do hạn mặn ở xã Tân Phước, Gò Công Đông. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa đang là nguyên nhân gây ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở các khu vực Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập (Tổng cục Thủy lợi) đã chia sẻ với phóng viên BNEWS về những biện pháp ứng phó của ngành nông nghiệp.

BNEWS: Tiếp tục chịu tác động của El Nino, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra hạn hán, thiếu nước thậm chí ngay cả trong các tháng mùa lũ, khiến cho tình trạng xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng. Xin ông cho biết, tình hình trên đang tác động đến sản xuất nông nghiệp như thế nào?

Ông Nguyễn Hồng Khanh: Do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino nên mùa mưa đến trễ, kết thúc sớm. Tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-50%. Mực nước thượng nguồn sông Mê Công tiếp tục xuống nhanh và thấp nhất trong vòng 90 năm qua.

Chính bởi vậy, hạn hán, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra gay gắt. Mặn xâm nhập sớm, sâu và khả năng kéo dài đến hết mùa khô nếu không có mưa. Đến thời điểm này, so với cùng kỳ năm ngoái, tại khu vực các cửa sông, độ mặn cao hơn 1,7-9g/l và vào sâu hơn từ 10-20km.

Các vùng cách biển từ 25-45km, từ cuối tháng 2 trở đi nguồn nước ngọt giảm nhiều và gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông. Các vùng cách biển từ 45-65 km, từ tháng 3/2016 đến tháng 4-5/2016 có khả năng bị mặn cao (>4g/l) xâm nhập.

Nếu mưa đến chậm, xâm nhập mặn có thể kéo dài đến tháng 6/2016. Trong thời kỳ này, vào những đợt triều cường mặn sẽ xâm nhập sâu. Các vùng cách biển xa hơn 70-75 km tuy ít gặp xâm nhập mặn 4g/l, nhưng cũng cần cẩn thận trong các đợt triều cường.

Một số vùng cần đặc biệt chú ý như: Vùng Gò Công (Tiền Giang), vùng Long Phú-Tiếp Nhật (Sóc Trăng), từ Đại Ngãi đến rạch Mái Dầm, Vùng ranh Sóc Trăng - Bạc Liêu (Bán đảo Cà Mau)... và một số huyện của Kiên Giang.

Với tình hình trên, nếu không có các giải pháp kịp thời, thời gian tới, các tỉnh ven biển thuộc vùng sẽ có khoảng 339.000 ha lúa vụ Đông Xuân 2015-2016 xâm nhập mặn và hạn hán, chiếm 35,5% diện tích xuống giống của vùng ven biển. Ngoài ra, một số diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn.

BNEWS: Hiện khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ, tình hình hạn hán, thiếu nước cũng đã diễn ra nghiêm trọng. Cụ thể tình hình hiện nay như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Khanh: Tại khu vực Nam Trung bộ, hiện một số hồ chứa thủy lợi, thủy điện có dung tích trữ thấp, không đủ đáp ứng cho cây trồng vụ Đông Xuân 2015-2016 nên đã xảy ra hạn hán tại một số khu vực. Với mùa khô sẽ kéo dài đến hết tháng 8/2016, tình trạng hạn hán, thiếu nước khả năng kéo dài đến hết vụ Hè Thu năm 2016 ở một số địa phương.

Cụ thể, tại lưu vực sông Cái Nha Trang, sông Cái Ninh Hòa (thuộc tỉnh Khánh Hòa) dự kiến vụ Hè Thu có 8/19 hồ chứa chỉ đáp ứng tưới 1 phần nhu cầu tưới, đặc biệt là các hồ Suối Lớn, Suối Luồng (đáp ứng được 20-30%), Láng Nhớt, Đá Bàn (đáp ứng được 40-50%), tổng diện tích dừng sản xuất khoảng gần 10.000 ha.

Nhu cầu cần hỗ nước sinh hoạt cho dân khoảng 7.000 hộ với 35.000 khẩu.
Lưu vực sông Cái Phan Rang (thuộc tỉnh Ninh Thuận), chỉ có 4/21 hồ đáp ứng đủ tưới cho vụ Hè Thu, 6/21 hồ đáp ứng được 1 phần nhu cầu và 9/21 hồ không có khả năng phục vụ sản xuất.

Hiện tại, ở vụ Đông Xuân diện tích phải dừng sản xuất là 5.775 ha, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng là 1.031 ha. Như vậy, vụ Hè Thu sẽ có khoảng hơn 10.000 ha phải dừng sản xuất.

Trên lưu vực sông La Ngà, sông Lũy (thuộc tỉnh Bình Thuận), vụ Đông Xuân đã có 15.423 ha lúa (chiếm hơn 40% diện tích) phải dừng sản xuất do không đủ nước tưới. Dự kiến, sẽ có gần 20.000 ha của vụ Hè Thu phải dừng sản xuất.

Tại các tỉnh Tây Nguyên, diện tích được tưới từ công trình thủy lợi chỉ được 30% diện tích canh tác. Đến thời điểm này, diện tích phải dừng sản xuất là gần 2.900 ha, Tình trạng thiếu nước sinh hoạt khả năng sẽ xảy ra ở một số địa phương, nặng nhất là Đắk Lắk.

Nhìn chung, hạn hán đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ngay từ vụ Đông Xuân ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa. Bởi vậy, vụ Hè Thu, hạn hán có thể xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng ở hầu hết các tỉnh trong khu vực do lượng nước trữ tại các hồ chứa đã cung cấp phần lớn cho cây trồng vụ Đông Xuân.

BNEWS: Vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những giải pháp gì ứng phó với tình hình trên?

Ông Nguyễn Hồng Khanh: Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác phòng, chống hạn hán.

Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Thuỷ lợi, Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam nghiên cứu, dự báo sớm tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, thông báo kịp thời cho các địa phương để chỉ đạo vận hành công trình thuỷ lợi lấy nước hiệu quả; Cục Trồng trọt hướng dẫn các địa phương xây dựng lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa cho từng tiểu vùng để tránh hạn hán, xâm nhập mặn, chuyển đổi hoạt động sản xuất ở vùng có hạn hay xâm nhập mặn cao.

Tại khu vực Nam Trung bộ, Bộ sẽ tiếp tục rà soát cập nhật cân đối nguồn nước, tiếp tục kiểm tra, tổng hợp cụ thể nguồn nước các hồ chứa để xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, phù hợp; trong đó, ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao và các khu công nghiệp khi hạn hán xảy ra.

Trên cơ sở đó, xác định vùng có nguy cơ bị hạn để xây dựng kế hoạch gieo trồng phù hợp, chuyển đổi diện tích trồng lúa vùng có nguy cơ thiếu nước sang các loại cây rau màu ít sử dụng nước hơn. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống kênh mương ở các vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán.

Công ty TNHH Một thành viên cấp nước Tiền Giang đang triển khai công trình thanh niên lắp đặt 500 đồng hồ nước miễn phí (giai đoạn I) cho các hộ dân nghèo, gặp khó khăn về nước sinh hoạt tại các xã ven biển Gò Công. Ảnh : Minh Trí - TTXVN

Để đối phó với tình hình hạn hán, hầu hết các địa phương đã ban hành kế hoạch hoặc phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; trong đó có các giải pháp cụ thể cho từng địa phương, từng hệ thống công trình thuỷ lợi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì tổng hợp nhu cầu của các địa phương, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để thực hiện các biện pháp chống hạn, mặn hiệu quả, kịp thời.

BNEWS: Đây cũng là những vùng đến hẹn lại xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có kế hoạch đầu tư các công trình thủy lợi để phòng tránh tình trạng này về lâu dài như thế nào?

Ông Nguyễn Hồng Khanh: Trong giai đoạn 2016-2020, khu vực Nam Trung bộ dự kiến sẽ đầu tư khoảng 19.400 tỷ đồng cho các công trình thủy lợi lớn như hồ Đồng Mít (Bình Định), hồ Mỹ Lâm (Phú Yên); hồ Đồng Điền, hồ Sông Chò 1 (Khánh Hòa), hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (Ninh Thuận) và hồ Sông Lũy (Bình Thuận).

Khu vực Tây Nguyên sẽ đầu tư khoảng 10.585 tỷ đồng cho các công trình thủy lợi lớn như hồ Krong Pách Thượng, hồ Krong Hnăng, hồ EaHleo 1 (Đắk Lắk), hồ JaMơ, hồ Iathul (Gia Lai)…

Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA phục vụ cho phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Điển hình, hoàn thành dự án WB6 (Quản lý thuỷ lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long) đúng kế hoạch; triển khai dự án WB9 (chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long); xây dựng hệ thống cống khu vực An Minh – An Biên, hệ thống cống dự án Bắc Bến Tre, Nam Măng Thít (JICA, WB).

Thực hiện các dự án tạo nguồn nước: cống Cái Lớn, Cái Bé; công trình phân ranh mặn ngọt chắc chắn cho các vùng: Bạc Liêu-Sóc Trăng. Đồng thời nghiên cứu giải pháp chuyển nước ngọt; giải pháp kênh trục dẫn ngọt trong Bán đảo Cà Mau...

Các dòng kênh, mương khô hạn, không có nước tưới vào đồng ruộng ở Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

BNEWS: Sử dụng nước tiết kiệm, tưới tiên tiến cho cây trồng được coi là giải pháp quan trọng không chỉ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt. Xin ông cho biết, các công nghệ tiên tiến này hiện đã phát triển như thế nào và làm thế nào để công nghệ này được nhân rộng?

Ông Nguyễn Hồng Khanh: Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp nông nghiệp, nông hộ đầu tư, xây dựng mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn (cà phê, hồ tiêu, thanh long, nho…).

Với tưới cho cây lúa, cần giảm dần biện pháp tưới ngập, tăng dần diện tích được tưới khoa học, tiết kiệm nước hơn, như: nông-lộ-phơi, áp dụng biện pháp canh tác theo SRI, quy trình canh tác 3 giảm 3 tăng hoặc 1 phải 5 giảm để nâng cao hiệu quả sử dụng nước.

Để khuyến khích người dân áp dụng tưới tiết kiệm nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Chính sách hỗ trợ này là cần thiết, kịp thời và phù hợp để khuyến khích người dân áp dụng sử dụng nước tiết kiệm, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Tuy nhiên, việc chuyển từ tưới truyền thống sang áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước làm tăng đáng kể chi phí ban đầu và cần có thời gian để thích ứng do người dân lo ngại rủi ro gặp phải và chưa thấy rõ hiệu quả đầu tư. Trong khi đó, thời gian hoàn vốn cần từ 3-4 năm tùy loại cây trồng và tùy vùng, miền.

Vì vậy, để phù hợp hơn với thực tế và tạo động lực mạnh mẽ khích lệ người dân áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Các bộ, ngành có liên quan cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung chính sách phù hợp hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các thiết bị, cấu kiện phục vụ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp, người dân chủ động thực hiện tưới tiên tiến, sử dụng nước tiết kiệm nước./.
BNEWS: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục