Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra dự thảo Luật đấu giá tài sản

15:49' - 02/10/2015
BNEWS Ngày 2/10, tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 14, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thẩm tra dự thảo Luật đấu giá tài sản.
Nhập thông tin đấu giá vào hệ thống. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Đây được xem là bộ luật chuyên ngành quan trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đối với lĩnh vực này theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước trong thời kỳ mới.

Theo Bộ Tư pháp, hoạt động bán đấu giá tài sản đã góp phần làm công khai hóa, minh bạch hóa việc xử lý tài sản thuộc sở hữu Nhà nước và tài sản của tổ chức, cá nhân, qua đó, giảm thiểu các tiêu cực trong việc xử lý tài sản, đóng góp vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương, bước đầu khẳng định hiệu quả của chủ trương xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa trong lĩnh vực bán đấu giá trong bối cảnh kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, hoạt động bán đấu giá tài sản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như pháp luật về bán đấu giá tài sản hiện hành chưa đồng bộ, chưa thống nhất, còn tồn tại những mâu thuẫn, chồng chéo về trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản; chất lượng của đội ngũ đấu giá viên tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập; doanh nghiệp bán đấu giá đã có sự phát triển đáng kể về số lượng nhưng tổ chức và hoạt động của phần lớn doanh nghiệp bán đấu giá còn chưa chuyên nghiệp, có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất yếu kém...

Cho ý kiến về dự thảo Luật đấu giá tài sản, đại biểu Cao Sỹ Kiêm nhận định, việc xây dựng Luật đấu giá tài sản thể hiện tư duy đổi mới của Chính phủ và Bộ Tư pháp, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Luật được ban hành sẽ là giải pháp gỡ “nút thắt” về pháp lý đối với các vấn đề quan trọng còn gặp vướng mắc như việc xử lý nợ xấu thông qua bán đấu giá tài sản thế chấp; đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doa nh nghiệp nhà nước; gỡ khó cho thị trường bất động sản.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc, việc ban hành Luật đấu giá tài sản là cần thiết nhưng Bộ Tư pháp phải làm rõ được mối quan hệ giữa luật này và các luật liên quan tới hoạt động đấu giá tài sản đã và đang được sửa đổi như Luật đất đai, Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật doanh nghiệp, Luật thương mại…

Bộ Tư pháp phải xác định cụ thể những văn bản hết hiệu lực, bị thay thế, để đảm bảo đúng nguyên tắc của pháp luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tạo sự đồng bộ, thống nhất và thuận tiện trong thi hành.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng đã cho ý kiến cụ thể vào một số điều luật trong dự thảo để ban soạn thảo nghiên cứu thêm như quy định về trình độ của đấu giá viên, quy định về tiền đặt cọc đấu giá, quy định về đăng ký đấu giá, về hình thức doanh nghiệp đấu giá tài sản…/.

Nguyễn Chung

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục