Vấn đề biến đổi khí hậu tại hội nghị thượng đỉnh G7

05:30' - 05/06/2017
BNEWS G7 còn có một chặng đường dài phía trước để có thể đạt được sự đồng thuận giữa các nhà lãnh đạo trong những vấn đề nổi cộm, đặc biệt là Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Vấn đề biến đổi khí hậu - bất đồng tại hội nghị thượng đỉnh G7. Ảnh minh họa: The Spectacles

Tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) vừa qua ở Sicilia, Italy, lãnh đạo 7 nước đã nhất trí hợp tác chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực nhưng vẫn còn bất đồng trong vấn đề biến đổi khí hậu.

Các nhà lãnh đạo hứa hẹn sẽ ngăn chặn những chiến dịch tuyên truyền và tuyển dụng trực tuyến của các tổ chức khủng bố, chia sẻ thông tin tình báo để đối phó với những thế lực bên ngoài, tăng cường hợp tác xuyên biên giới và hòa nhập xã hội để chống lại chủ nghĩa cực đoan. Tuy nhiên, G7 còn có một chặng đường dài phía trước để có thể đạt được sự đồng thuận giữa các nhà lãnh đạo trong những vấn đề nổi cộm khác.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 với mong muốn giành được thế chủ động trong lĩnh vực thương mại tự do và sự hợp tác, ủng hộ đối với những biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump lại đang cố gắng hơn nữa để hướng thế giới theo một con đường trái ngược hoàn toàn. Một quan chức Chính phủ Canada cho rằng nút thắt về Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục nằm trong nội dung đàm phán cho dù cho ông Trump kiên quyết phản đối.

Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni cho hay Canada, Italy, Đức, Pháp, Anh và Nhật Bản đều cam kết tham gia Hiệp định Paris, tuy nhiên, ngày 1/6, Tổng thống Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Để tìm hiểu xem điều gì sẽ xảy ra với Trái Đất khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris, hãng tin Mỹ AP đã tham vấn hơn 20 nhà khoa học về khí hậu và chuyên gia phân tích tình huống mẫu được lập trên máy tính để tính toán các hệ quả có thể xảy ra.
Theo các nhà khoa học, Trái Đất có nguy cơ sẽ đạt mức nền nhiệt nguy hiểm hơn thậm chí trong thời gian ngắn hơn nếu Mỹ rút lại những cam kết cắt giảm lượng khí thải gây ô nhiễm của họ, bởi Mỹ góp phần rất lớn vào việc làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Các tính toán cho thấy viễn cảnh có thêm 3 tỷ tấn CO2 thải vào không khí mỗi năm. Và với mức tăng đó hết năm này sang năm khác, các nhà khoa học cho rằng sẽ đủ để khiến các tảng băng tan nhanh hơn, làm mực nước biển dâng cao và gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn.

Một nhóm chuyên gia đã thử mô phỏng trên máy tính tình huống xấu nhất sẽ xảy ra nếu Mỹ không cắt giảm lượng khí thải trong khi các nước đạt được mục tiêu đề ra. Kết quả là nước Mỹ sẽ làm gia tăng 0,3 độ C trên toàn cầu vào cuối thế kỷ này. Các nhà khoa học đang tranh cãi về độ hợp lý và khả năng xảy ra của viễn cảnh này.

Nhiều người cho rằng bởi khí tự nhiên rẻ thay thế than đá và việc sử dụng ngày càng tăng các nguồn năng lượng tái tạo, chưa chắc Mỹ sẽ không giảm được lượng khí CO2 ô nhiễm cho dù nước này từ bỏ thỏa thuận, nên mức độ ảnh hưởng chắc sẽ ít hơn.

Các nước trên thế giới sẽ tiếp tục xây dựng một tương lai sạch và an toàn.Ảnh minh họa: CBC

Những người khác lại cho rằng tình hình có thể tệ hơn bởi các nước khác có thể rút khỏi thỏa thuận theo gương Mỹ, dẫn tới lượng khí thải từ Mỹ và những nước khác tăng lên. Một nhóm mô phỏng khác đưa ra kết quả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu tăng 0,1-0,2 độ C.

Mặc dù các nhà khoa học có thể không thống nhất về các mô phỏng trên máy tính, song đa số nhất trí rằng mức độ nóng lên mà Trái Đất đang phải chịu đựng sẽ tăng nhanh và mạnh hơn. Không có sự hợp tác của Mỹ, thế giới sẽ càng khó khăn hơn trong việc tránh ngưỡng nguy hiểm, giữ cho hành tinh không ấm lên quá 2 độ C so với hiện nay.

Nhiều nhà khoa học cho rằng ngay cả nếu Mỹ có thực hiện những gì đã cam kết theo Thỏa thuận Paris thì thế giới chắc chắn vẫn vượt quá ngưỡng tăng 2 độ C. Nhưng phần nhiệt độ tăng thêm mà Mỹ sẽ đóng góp có thể đồng nghĩa với việc tốc độ vượt quá ngưỡng này sẽ bị đẩy nhanh hơn.

Theo nhà khoa học Kevin Trenberth thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia “hệ sinh thái sẽ bị ảnh hưởng bởi khí hậu, việc trồng trọt sẽ khó khăn đồng thời mức độ thiếu hụt thực phẩm và nước gia tăng”.

Climate Interactive, nhóm các nhà khoa học và lập mô hình trên máy tính theo dõi lượng khí thải và các cam kết toàn cầu, đã mô phỏng lượng khí thải toàn cầu nếu tất cả các nước, trừ Mỹ, đạt được mục tiêu riêng của mình về cắt giảm lượng khí CO2.

Sau đó họ tính toán tác động của điều đó đối với nhiệt độ toàn cầu, mức nước biển tăng và độ axít hóa ở các đại dương dựa trên các mô hình trên máy tính. Kết quả cho thấy mỗi năm sẽ có thêm 3 tỷ tấn CO2 trong không khí, và tới cuối thế kỷ mức nhiệt tăng thêm 0,3 độ C.

John Schellnhuber, giám đốc Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Postdam - một trong số ít các nhà khoa học giảm nhẹ tác hại của khả năng Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris và là nhà khoa học đã đưa ra mục tiêu 2 độ C - nói: “Nếu là 10 năm trước thì (việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận) sẽ khiến toàn cầu sửng sốt. Còn ngày nay nếu Mỹ chọn cách rút khỏi Thỏa thuận Paris thì thế giới vẫn tiếp tục xây dựng một tương lai sạch và an toàn”.

Còn nhà khoa học Katharine Hayhoe thuộc tổ chức Texas Tech không cho là như vậy. Bà nói: “Sẽ có những tác động lan truyền khắp thế giới từ những lựa chọn của Mỹ”.

>>> Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc: Cam kết thúc đẩy Hiệp định Paris

>>> Giới doanh nghiệp và nghị sĩ kêu gọi Tổng thống Trump không rút khỏi Hiệp định Paris

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục