Vai trò của hiệp hội, hội ngành hàng trong xây dựng chính sách pháp luật với doanh nghiệp

15:27' - 21/12/2017
BNEWS Hiệp hội, hội ngành hàng cần có tiếng nói tích cực hơn trong việc đóng góp ý kiến và vận động chính sách pháp luật liên quan đến doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng nói chung.

Đây là ý kiến của các đại biểu tại “Hội thảo vai trò và phương pháp rà soát góp ý xây dựng chính sách, pháp luật đối với các hiệp hội, hội doanh nghiệp” do Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) tổ chức, ngày 21/12.

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI-HCM cho biết, việc tham gia đóng góp ý kiến, vận động chính sách của các hiệp hội doanh nghiệp, hội ngành hàng thời gian qua đã cho những kết quả bước đầu khá tích cực.

Cụ thể, rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong một số lĩnh vực đã được cải thiện đáng kể, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp như lĩnh vực hải quan với thủ tục khai báo hải quan điện tử; thủ tục thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2014,…

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điểm bất cập, chồng chéo trong việc ban hành, thực thi pháp luật liên quan đến doanh nghiệp chưa được các hiệp hội phản hồi và đề xuất giải pháp kịp thời.

Phần lớn doanh nghiệp chỉ “kêu ca”, than phiền khi hoạt động của doanh nghiệp gặp vướng do luật đã có hiệu lực. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo ông Trần Ngọc Liên, các hiệp hội doanh nghiệp, hội ngành hàng là tổ chức hiểu rõ nhất những tác động của chính sách, pháp luật đến hoạt động của doanh nghiệp, ngành hàng. Đồng thời cũng là nơi đầu tiên nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật.

Vì vậy, các hiệp hội, hội ngành hàng cần phải tích cực hơn nữa trong việc tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng các văn bản pháp luật liên quan tới doanh nghiệp ngay từ giai đoạn đầu cũng như kiến nghị các giải pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan tới thực thi pháp luật trong thực tế.

Ông Vũ Xuân Hưng, Phó Trưởng phòng Pháp chế VCCI-HCM thông tin, mỗi năm các cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành khoảng 1.000 văn bản pháp luật; trong đó có khoảng 50% quy định trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp, khoảng 20% có tác động gián tiếp đến hoạt động kinh doanh.

Vì vậy, một doanh nghiệp phải chịu sự tác động, điều chỉnh của nhiều luật và văn bản quy phạm pháp luật khác nhau và không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng theo dõi, nắm bắt hết sự thay đổi về các chính sách, quy định liên quan đến doanh nghiệp mình để thực hiện đúng và phát hiện sớm những bất cập có thể xảy ra.

“Phần lớn doanh nghiệp ở nước ta là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, đây chính là những đối tượng ít quan tâm và có điều kiện để tìm hiểu chính sách pháp luật ngay từ bước xây dựng dự thảo. Phần lớn doanh nghiệp chỉ “kêu ca”, than phiền khi hoạt động của doanh nghiệp gặp vướng do luật đã có hiệu lực. Chỉ một số doanh nghiệp, hiệp hội có tập hợp, phân tích khái quát các vấn đề pháp luật tác động tới doanh nghiệp nhưng cũng chưa có đề xuất, giải pháp khắc phục cụ thể”, ông Vũ Xuân Hưng phân tích thêm.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến tham vấn của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng của cơ quan xây dựng văn bản pháp luật hiện nay còn mang tính hình thức, chưa chú trọng đến chất lượng.

Trên thực tế, các dự thảo luật, quy định, nghị định…đều được xây dựng ở cấp trung ương, thời hạn cho các doanh nghiệp, hiệp hội góp ý rất ngắn chỉ vài ngày, có trường hợp khi hiệp hội nhận được thông báo thì đã hết hạn góp ý.

Thêm vào đó, nhiều trường hợp các điều khoản, quy định bất hợp lý nhưng doanh nghiệp, hiệp hội phản ánh mãi vẫn trong tình trạng “biết rồi, khổ lắm nói mãi” như vấn đề kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh…

Ông Huỳnh Văn Hạnh kiến nghị, để việc tham vấn ý kiến hiệp hội, hội ngành hàng đạt hiệu quả tương tác, các cơ quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần thông báo sớm và bố trí thời gian tham vấn phù hợp.

Thêm vào đó, nên chỉ rõ các thay đổi trong luật mới (đối với các văn bản luật sửa đổi, bổ sung) hoặc nêu cụ thể cần hiệp hội doanh nghiệp cho ý kiến về vấn đề gì trong dự thảo luật mới để giúp cá nhân, tổ chức góp ý không mất thời gian đối chiếu các luật khác và phải đọc hết các nội dung mang tính hành chính của văn bản luật.

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc khuyến khích các hiệp hội tích cực tham gia vào việc tham vấn, vận động chính sách pháp luật cũng cần sớm xây dựng và thông qua Luật hiệp hội doanh nghiệp, hội ngành hàng để tạo cơ sở xác định vai trò, chức năng của các tổ chức này.

Ngoài ra, cần có chế tài xử lý đối với các cơ quan, đơn vị không tiếp thu, giải tình các vấn đề mà hiệp hội, hội ngành hàng nêu ra.

Chỉ khi các đóng góp, phản hồi của hiệp hội, hội ngành hàng được tiếp thu một cách nghiêm túc và giải quyết thấu đáo mới có thể tạo động lực để các hiệp hội, hội ngành hàng phát huy vai trò của mình trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục