Vai trò của NAFTA đối với nền kinh tế Canada

06:30' - 02/07/2017
BNEWS Canada đang đa dạng hóa quan hệ thương mại với các nước khác, song Mỹ vẫn là đối tác quan trọng nhất, điều đó phần nào chứng minh vai trò quan trọng của NAFTA đối với kinh tế của Canada.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại một sự kiện ở Brussels, Bỉ ngày 25/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bài viết trên trang tin CBC.ca, trong một buổi trả lời phỏng vấn gần đây, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã khẳng định Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế và thị trường việc làm tại Canada, do đó ông sẽ làm việc với Tổng thống Donald Trump để đảm bảo rằng không cần phải lên “phương án B” cho thỏa thuận khu vực này.

Bài viết của tác giả Kathleen Harris nêu rõ: Thủ tướng Trudeau sẽ giữ quan điểm mở và cân nhắc mọi lập luận khác nhau trong quá trình tái đàm phán NAFTA, dự kiến bắt đầu từ khoảng giữa tháng Tám tới. Ông tin tưởng thỏa thuận thương mại này không thể bị phá vỡ bởi nó đang mang lại rất nhiều lợi ích cho cả Canada và Mỹ, và vì thế, Ottawa sẽ không cần chuẩn bị bất kỳ kế hoạch dự phòng nào.

Trong cuộc phỏng vấn của tờ báo Mỹ The New York Times, ông Trudeau nói: "Sẽ không cần ‘kế hoạch B’. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc trên tinh thần xây dựng và có trách nhiệm. NAFTA đã được cải tiến hàng chục lần trong các năm qua và chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cấp để đối phó với những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt".

Ông cũng cho biết Canada đang đa dạng hóa quan hệ thương mại với các nước khác, song Mỹ vẫn là đối tác quan trọng nhất. Cũng trong buổi trả lời phỏng vấn này, Thủ tướng Trudeau bày tỏ sự tin tưởng “100%” rằng thỏa thuận NAFTA sẽ được đưa trở lại thực hiện sau một năm nữa và thậm chí còn mạnh mẽ hơn bây giờ.

Ông nói: “Tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng chúng ta sẽ có rất nhiều thỏa thuận thương mại, nhưng NAFTA vẫn sẽ là thỏa thuận quan trọng nhất và thành công nhất của cả hai nước. Tôi có thể hiểu những ý đồ chính trị xoay quanh ý kiến cho rằng cần phải cải tiến thỏa thuận này.

Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy. Thỏa thuận tạo ra những lợi thế to lớn và số lượng lớn việc làm cho hai nền kinh tế của chúng ta".

Quốc kỳ Canada và Mỹ tại khu vực biên giới. Ảnh: AFP/TTXVN

Khi được hỏi về chiến lược đối phó với Tổng thống Trump, ông Trudeau cho biết ông đang tập trung vào những vấn đề hai bên có quan điểm và nền tảng chung. Ông không nêu chi tiết đó là những vấn đề gì, mà chỉ mô tả nhà lãnh đạo Mỹ là người có quan điểm mở nên hai bên sẽ làm việc được với nhau.

Hiện tại, giữa Canada và Mỹ đang tồn tại một số mâu thuẫn liên quan đến ngành công nghiệp sữa, xuất khẩu gỗ mềm và thâm hụt thương mại song phương.

Kể từ khi Chính quyền Trump lên nắm quyền, quan hệ giữa Canada và Mỹ đã vấp phải một số rào cản, nhưng nhìn chung hai bên vẫn cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp. Ông Trudeau đã tiến hành một cuộc cải tổ nội các sâu rộng ngay trước khi ông Trump nhậm chức nhằm xây dựng một “bộ khung giúp việc” hiệu quả và quyết đoán hơn.

Chính phủ Trudeau cũng đã cử hàng chục giới chức đương nhiệm và về hưu, gồm các bộ trưởng, cựu bộ trưởng, cố vấn, giới chức chính quyền các tỉnh tăng cường giao lưu, kết nối và làm việc với các cấp chính quyền Mỹ để tạo thành mạng lưới gắn kết lợi ích chặt chẽ giữa hai bên.

Ngoài ra, trong quan hệ song phương cũng như tại các diễn đàn đa phương, Canada luôn thực hiện những bước đi, những chiến lược hết sức khéo léo và mềm dẻo với Mỹ.

Hiện tại, Mỹ là bạn hàng thương mại lớn nhất của Canada với kim ngạch song phương đạt gần 508 tỷ USD trong năm 2017, trong đó Canada xuất sang Mỹ 298 tỷ USD và nhập về 210 tỷ USD. Hơn 75% hàng hóa xuất khẩu của Canada được tiêu thụ tại thị trường Mỹ và Mỹ cũng đang có khoảng 9 triệu lao động phụ thuộc vào thương mại với Canada.

Những lợi ích đan xen giữa hai bên là rất lớn nên việc đàm phán lại NAFTA phải được tiến hành rất cẩn trọng.

Mặc dù Tổng thống Trump nói rằng sẽ có những điều chỉnh lớn trong NAFTA và Chính phủ Canada cũng đã tuyên bố sẵn sàng quay trở lại Hiệp định thương mại tự do song phương với Mỹ nếu NAFTA đổ vỡ, song nhiều nhà phân tích vẫn cho rằng đây là kịch bản rất khó xảy ra nếu xem xét tổng thể những tác động đối với nền kinh tế và thị trường việc làm ở cả 3 nước thành viên Bắc Mỹ là Mỹ, Canada và Mexico.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục