Vấn đề Brexit: EU chia rẽ về chiến lược hậu trưng cầu ý dân ở Anh

16:40' - 23/06/2016
BNEWS Cho dù kết quả cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 tại Anh như thế nào, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa thống nhất được chiến lược sau sự kiện này
Vấn đề Brexit: EU chia rẽ về chiến lược hậu trưng cầu ý dân ở Anh. Ảnh minh họa: Getty Images

Cho dù kết quả cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 tại Anh như thế nào, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa thống nhất được chiến lược sau sự kiện này nhằm thúc đẩy trở lại công cuộc xây dựng một châu Âu hợp nhất, nhất là trong bối cảnh hai trụ cột Đức và Pháp chưa đạt được một thỏa thuận nào.

Nước Pháp kỳ vọng có một tín hiệu mạnh để đưa EU ra khỏi bầu không khí u ám cả về mặt kinh tế lẫn chính trị hiện nay. Mới đây, tờ “Le Monde” (Thế giới) dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh cam kết của nước này trong việc đưa ra sáng kiến để ngăn chặn nguy cơ lan rộng “hiệu ứng” Brexit (Anh rời EU), cũng như việc khởi động ngay một dự án mới mang tính tích cực cho châu Âu.

Tuy nhiên, nước Đức lại không lạc quan như vậy. Trên tờ nhật báo “Spiegel” (Tấm gương), Bộ trưởng Tài chính Đức Wolgang Schauble cho rằng nếu xảy ra kịch bản "Brexit", sẽ không thể kêu gọi châu Âu hội nhập hơn nữa. Đồng quan điểm này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng cho rằng việc thúc đẩy hội nhập hơn nữa sẽ càng khiến tình hình trở nên rối ren.

Thái độ thận trọng trên là điều dễ hiểu trong bối cảnh các phong trào bài châu Âu, kể cả tại Đức, đang phát triển ngày càng mạnh – được thể hiện qua kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây.

Liên quan vấn đề đồng euro, giữa Paris và Berlin hiện vẫn tồn tại nhiều bất đồng. Pháp không thể kiềm chế được mức thâm hụt ngân sách và không muốn để một định chế châu Âu giám sát việc này, trong khi Đức dứt khoát không chấp nhận san sẻ các món nợ giữa các nước trong EU.

Chính hai “nút thắt” nói trên đã khiến EU chưa đưa ra được chiến lược vững chắc nào cho giai đoạn hậu trưng cầu ý dân về "Brexit". Không chỉ giữa Paris và Berlin, mà cả nội bộ liên minh cầm quyền ở Đức cũng đang bị chia rẽ giữa một bên là đảng Xã hội Dân chủ, chủ trương hội nhập châu Âu, với bên kia là đảng bảo thủ CDU, đề nghị EU nên trao lại một số quyền cho các quốc gia thành viên để trấn an dư luận hoài nghi về việc châu Âu hợp nhất.

Vì vậy, trong giai đoạn hậu trưng cầu ý dân về "Brexit", các nước châu Âu chỉ có thể đề ra một số sáng kiến hạn chế trong các lĩnh vực ít gây tranh cãi như quốc phòng hay an ninh, song việc thành lập một quân đội châu Âu thì dường như còn rất xa vời./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục