Vấn đề Brexit: Giới doanh nghiệp Anh kêu gọi Chính phủ duy trì đối thoại

15:45' - 21/07/2017
BNEWS Phòng Thương mại Vương quốc Anh (BCC) đã kêu gọi chính phủ duy trì đối thoại "liên tục và có tổ chức" với giới doanh nghiệp về vấn đề Brexit.

Phòng Thương mại Vương quốc Anh (BCC), một tổ chức quy tụ các doanh nghiệp nước Anh, đã kêu gọi chính phủ duy trì đối thoại "liên tục và có tổ chức" với giới doanh nghiệp về việc đất nước rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, và tránh một kịch bản "chia tay" đột ngột.
Chủ tịch BCC Francis Martin cho rằng doanh nghiệp cần các cuộc đối thoại này để thảo luận về hàng chục vấn đề thực tiễn, hậu quả của Brexit mà các công ty và doanh nghiệp đang phải đối mặt.

Trong bối cảnh các công ty và doanh nghiệp đều đang lo lắng về việc phải tiến hành hàng loạt các thay đổi tốn kém về điều kiện thương mại, đối thoại giữa chính phủ và doanh nghiệp về các phương án dàn xếp trong tiến trình chuyển giao sẽ giúp củng cố lòng tin của giới kinh doanh. 

Thủ tướng Theresa May ngày 20/7 cũng đã nỗ lực trấn an những quan ngại của giới doanh nghiệp nước này về tác động của Brexit trong bối cảnh các vòng đàm phán giữa London và Brussels đang diễn biến căng thẳng.

Theo một người phát ngôn của Thủ tướng, trong một cuộc họp với giới lãnh đạo các tập đoàn công nghiệp và các giám đốc doanh nghiệp, bà May đã tái khẳng định rằng mục tiêu chủ chốt của chính phủ là đảm bảo một Brexit "suôn sẻ và có trật tự" để đi đến một thỏa thuận thương mại tự do toàn diện với EU, trong đó bảo đảm một giai đoạn chuyển giao có trật tự để tránh tối đa các tình huống rủi ro.
Thủ tướng May hoan nghênh những đóng góp giá trị từ giới doanh nghiệp thông qua các cuộc trao đổi ở nhiều cấp chính phủ trong năm qua, đồng thời nhấn mạnh cần thiết tăng cường các đối thoại này trong thời gian tới.

Cũng liên quan tới vấn đề Brexit, Chính phủ nước Anh cùng ngày đã khởi động một tiến trình tham vấn về chiến lược hàng không, dự kiến kéo dài trong 18 tháng để xây dựng một chiến lược hàng không dài hạn (sẽ được công bố vào cuối năm 2018).
Chính phủ cho biết một mục tiêu của tiến trình tham vấn là nhằm bảo vệ và củng cố ngành hàng không của nước Anh hậu Brexit.

Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Anh Chris Grayling cho biết công tác này nhằm đánh giá về dài hạn những phương án giúp duy trì và củng cố mối quan hệ với các đối tác hàng không châu Âu nói riêng và toàn cầu nói chung.

Nội dung tham vấn sẽ bao trùm một loạt vấn đề từ dịch vụ khách hàng, an ninh cho tới giảm thiểu tối đa các tác động môi trường của việc mở rộng các chuyến bay và làm thế nào để khai thác tối đa công suất các sân bay của nước Anh.
Tiến trình tham vấn sẽ tách biệt với các cuộc đàm phán về quyền tiếp cận của London đối với thị trường châu Âu hậu Brexit.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục