Vấn đề Brexit: "Sóng ngầm" dần lộ diện

13:44' - 27/03/2017
BNEWS Chín tháng trôi qua kể từ khi người Anh bỏ phiếu ủng hộ việc đưa quốc gia này ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), nhiều dự đoán về hậu quả kinh tế khôn lường của lựa chọn này đã không trở thành hiện thực.

Nền kinh tế Anh vẫn tăng trưởng ở con số đáng ngưỡng mộ 1,8% GDP năm ngoái và dự đoán sẽ lên 2% trong năm 2017.

Thủ tướng Anh Theresa May sẽ kích hoạt điều 50 hiệp ước Lisbon để chính thức khởi động quá trình đưa Anh ra khỏi "ngôi nhà chung" EU vào ngày 29/3 tới. Ảnh: EPA

Tuy nhiên, nhiều người vẫn tin rằng đây chỉ là khoảng thời gian biển lặng gió trước khi bão tố ập tới, những cơn gió ngược chắc chắn sẽ xuất hiện và quật xuống nền kinh tế của quốc gia này.

Quãng thời gian "mật ngọt" của nền kinh tế được tin là phần lớn do sự khéo léo trong cách lèo lái của "thuyền trưởng" Theresa May, là nhờ các biện pháp hỗ trợ tăng thanh khoản từ Ngân hàng Trung ương Anh dành cho hệ thống ngân hàng và nhờ vào lòng tin chưa hề suy chuyển của người tiêu dùng.

Song dưới con mắt chuyên gia, các nhà kinh tế vẫn không ngừng đắn đo về những hậu quả thật sự chỉ lộ diện sau khi Anh chính thức ngồi vào bàn đám phán.

Trên thực tế, chuyên gia kinh tế hàng đầu của S&P Boris Glass cho biết đầu năm nay, nhu cầu vốn của các cơ sở kinh doanh và các hộ gia đình đã giảm thiểu phần nào, đây chính là những dấu hiệu đầu tiên báo hiệu nền kinh tế sẽ dần chững lại.

Người tiêu dùng cũng bắt đầu nhận thấy giá cả tăng nhanh do đồng bảng trượt giá kéo theo chi phí cao hơn cho hoạt động nhập khẩu.

Chuyên gia Paul Drechsker, lãnh đạo Liên đoàn kỹ nghệ Anh (CBI) ví quãng thời gian trước mắt khi Anh chính thức ngồi vào bàn đàm phán như một con đường gập ghềnh chông gai.

Mỗi một phút kể từ khi quá trình đàm phán chính thức diễn ra, người Anh phải chuẩn bị tâm lý "sập ổ gà" bất kỳ lúc nào.

Trong viễn cảnh tối tăm nhất, khi London và Brussels rời bàn đàm phán "trắng tay" không có thỏa thuận thương mại nào thay thế, thì cái giá phải trả cho cuộc "chia tay" không êm thấm sẽ vô cùng đắt đỏ cho cả đôi bên.

Thủ tướng Theresa May từng tuyên bố chính phủ của bà sẵn sàng ra khỏi bàn đàm phán mà không có bất kỳ thỏa thuận nào nếu phía Brussles quá khắt khe.

Đây là một kịch bản mà giới kinh doanh cho rằng sẽ giáng một "đòn đau" vào hai ngành kinh tế chủ lực là tài chính và chế tạo ô tô vốn đang vào thời kỳ hưng thịnh.

Dự tính, nếu Anh và EU buộc phải áp dụng trở lại các luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đối với các hoạt động giao thương đôi bên thì riêng ngành xuất khẩu xe hơi sẽ gánh 10% thuế hải quan tại biên giới EU.

Bất kể động thái nào của các nhà sản xuất ô tô hiện đóng ở Anh đều có thể khiến chính phủ "đứng ngồi không yên".

Trong khi đó, nhiều trung tâm tài chính nhỏ ở Anh đang lao đao khi ngày quốc gia này rời khỏi liên minh châu  (EU) cận kề, sự thay đổi được dự đoán là sẽ khiến nhiều người không giữ được công việc của mình.

Tuy chỉ là tuyến "nhân vật phụ" nhưng những công ty nhỏ mang trách nhiệm phụ trợ với trụ sở chủ yếu ở các thành phố ngoài London này lại là nơi tạo ra công ăn việc làm cho nhiều lao động hơn cả Trung tâm tài chính London.

Người dân Anh biểu tình phản đối Brexit. Ảnh: EPA

Theo các báo cáo khảo sát thì thị trường dịch vụ tài chính và nghiệp vụ cao là những lĩnh vực tạo công ăn việc làm cho khoảng 7% người lao động ở Anh (2,2 triệu người), 2/3 số này (khoảng 1,5 triệu người) làm việc tại các trung tâm tài chính nhỏ lẻ.

Mà những ngành dịch vụ này lại phụ thuộc rất lớn vào khả năng tiếp cận thị trường chung EU.

Rời EU đồng nghĩa với việc mất đi "tấm hộ chiếu" để tự do tham gia vào thị trường chung EU, mất đi tiềm năng thu hút đầu tư, các doanh nghiệp có thể sẽ rút khỏi thị trường Anh, kéo theo đó là tình trạng thất nghiệp cũng tăng cao.

Giới chuyên gia nhận định, sẽ rất khó để có thể kiểm sát toàn diện bởi việc đàm phán là khôn lường, không ai đoán trước được kết quả của các vòng đàm phán.

Nếu mọi việc không thuận lợi thì riêng ngành tài chính sẽ có khoảng 10% số việc làm (240.000 vị trí) bị cắt giảm.

Khả năng chính phủ giành nhiều ưu tiên cho "viên ngọc lớn" là Trung tâm Tài chính London vô tình đẩy những trung tâm tài chính nhỏ khác như Birmingham, Bristol, Leeds, Liverpool và Sheffield, Endingburgh, Glassgow, Cardiff, Belfast vào thế "bị lãng quên" với nguy cơ chịu biến động mạnh.

Theo dự kiến, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ kích hoạt điều 50 hiệp ước Lisbon để chính thức khởi động quá trình đưa Anh ra khỏi "ngôi nhà chung" EU vào ngày 29/3 tới.

Những lo ngại của giới chuyên gia hoàn toàn có cơ sở khi hồi tuần trước Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond công bố kế hoạch ngân sách rất cẩn trọng với hy vọng có đủ nguồn lực để bộ này ứng phó kịp thời bất kể khi nào "có biến".

>>> Điều gì chờ đợi Anh trong lộ trình đàm phán Brexit?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục