Vấn đề Brexit: Thủ tướng Theresa May đối mặt với nhiều thách thức

06:30' - 19/05/2018
BNEWS Thủ tướng Anh Theresa May đang đối mặt với những ý kiến trái chiều trong nội bộ Chính phủ Anh đối với vấn đề Brexit trong bối cảnh thời hạn nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) không còn nhiều.
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: AFP/TTXVN 

Nếu nhà lãnh đạo này có thể hàn gắn được sự chia rẽ trong nội các và trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền đối với vấn đề hải quan đang gây tranh cãi hiện nay, thì thách thức to lớn hơn vẫn đang đợi bà tại Brussels, tờ Economist mới đây bình luận.
Khi trở thành Thủ tướng Anh vào tháng 7/2016, và tái đắc cử trong cuộc bầu cử sớm hồi tháng Tư năm ngoái, Theresa May kỳ vọng có thể thống nhất được cả nước Anh và đảng Bảo thủ nhiều chia rẽ.

Tuy nhiên, gần 2 năm sau cuộc trưng cầu ý dân về Brexit và chỉ còn 9 tháng trước thời hạn Anh sẽ rời khỏi EU, những rạn nứt này dường như ngày một lớn hơn. Bằng chứng mới đây nhất phản ánh thực tế này là việc Ngoại trưởng Boris Johnson công khai chỉ trích kế hoạch của Thủ tướng May nhằm xây dựng quan hệ đối tác hải quan với EU hậu Brexit là "điên rồ" và cho rằng lựa chọn này sẽ phản bội tinh thần của cuộc trưng cầu ý dân.
Ngoại trưởng Johnson chỉ là một trong số những nghị sỹ cứng rắn của đảng Bảo thủ, những người ủng hộ giải pháp về một Brexit “cứng”. Nhóm 60 nghị sĩ do Jacob Rees-Mogg đứng đầu ủng hộ đường lối đàm phán Brexit cứng rắn nhất có thể, nghĩa là Anh hoàn toàn ra khỏi thị trường đơn lẻ của EU và liên minh hải quan.

Những người này muốn Thủ tướng tỏ ra cứng rắn hơn và giữ vững ranh giới đỏ mà chính bà từng đề ra trong cuộc họp đầu tiên trên cương vị lãnh đạo cũng như đe dọa rằng nếu EU cản trở tiến trình Brexit, Anh sẽ rời EU mà không cần có thỏa thuận nào hết.
Trong năm qua, Thủ tướng May đã nhận ra rằng đàm phán với EU đòi hỏi sự cho đi và nhận lại, và do vậy không phải tất cả các mục tiêu của bà đều có thể khả thi. Bà May hiểu rằng việc rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận sẽ là một sự ra đi gây nhiều tổn thất.

Do vậy, nhà lãnh đạo này đã chấp nhận thực hiện thời gian chuyển tiếp với việc gần như giữ nguyên hiện trạng mối quan hệ và trả hóa đơn thanh toán lớn cho EU. Thủ tướng May hy vọng Anh vẫn duy trì được quyền lợi và sự hiện diện trong nhiều cơ quan của EU và một số quy định để đảm bảo hoạt động thương mại như cũ.

Bà cũng muốn thúc đẩy thành công một thỏa thuận hải quan nhằm giảm thiểu tối đa rạn nứt và tránh phải thiết lập một đường biên giới cứng tại Bắc Ireland. 
Những người ủng hộ Brexit từng xem đó là những cái giá mà họ phải trả để đạt được mục tiêu của mình, song gần đây tại tỏ thái độ phản đối đề xuất của Thủ tướng May. Họ biết rằng đa số các thành viên của tiểu ban Brexit trong Nội các đều phản đối lựa chọn xây dựng mối quan hệ "đối tác hải quan" của Thủ tướng May.

Thay vào đó, họ thiên về việc lựa chọn được gọi là đơn giản hóa tối đa, hạn chế các bất đồng nhờ việc vận dụng các công nghệ mới, tiến hành thương mại dựa trên nền tảng tin cậy lẫn nhau và các thỏa thuận miễn trừ. Bộ trưởng Brexit David Davis cho biết ông cũng thiên về lựa chọn này.
Một trong những yếu tố chính gây tranh cãi là việc EU cho rằng cả hai giải pháp kể trên là bất khả thi, bởi chúng đều dựa trên nền tảng các công nghệ và hệ thống máy tính chưa được thử nghiệm.

Giải pháp đơn giản hóa tối đa có thể làm tăng nạn buôn lậu và đi ngược lại các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hơn thế nữa, với hai lựa chọn này, việc thiết lập biên giới cứng tại Bắc Ireland là điều khó tránh trong khi Anh sẽ phải tuân thủ chặt chẽ hầu hết các quy định của thị trường chung.
Những người ủng hộ Brexit cứng lo ngại lựa chọn theo hướng "đối tác hải quan" với EU của Thủ tướng May sẽ khiến Anh sa vào một liên minh hải quan, làm mất đi hy vọng về các thỏa thuận thương mại với đối tác thứ 3 nằm ngoài EU.

Thậm chí một số người còn cho rằng việc hình thành một liên minh mới như vậy còn tồi tệ hơn cả việc ở lại trong EU. Vì vậy họ tìm cách kéo Thủ tướng Anh khỏi kế hoạch này với đe dọa rằng trừ phi bà thay đổi ý định, nếu không họ sẽ tìm cách thay thế bà bằng một nhà lãnh đạo có tư tưởng cứng rắn hơn. 
Tuy nhiên, những đe dọa này có vẻ như không mấy hiệu quả. Thủ tướng May có thể quá “hiền” và sẽ không mạnh tay sa thải Ngoại trưởng Johnson, và quyền lực của bà sau cuộc bầu cử năm ngoái và trước các cú đòn chỉ trích của lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn thực tế cũng đã bị thu hẹp đáng kể.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này là một người khá cứng đầu. Bà đã yêu cầu các quan chức của mình chỉnh sửa lại kế hoạch "đối tác hải quan" với EU. Bà cũng hiểu rõ những thay đổi tại Quốc hội Anh sau khi cuộc tổng tuyển cử năm 2017, và thực tế những người ủng hộ Brexit cứng tại cả lưỡng viện Quốc hội đều không chiếm đa số.

Thượng viện đã bác các đề xuất về việc rời khỏi EU của chính phủ không dưới 12 lần, trong đó có cả cuộc bỏ phiếu về việc ở trong thị trường đơn nhất của EU và liên minh hải quan. Hạ viện nhiều khả năng sẽ bác bỏ việc ở lại trong thị trường chung EU, trong khi các nghị sỹ Bảo thủ ủng hộ EU cho rằng với sự ủng hộ mạnh mẽ của Công đảng, Hạ viện sẽ ủng hộ việc Anh ở lại liên minh hải quan. 
Bà May có thể sẽ phải đối mặt với thách thức bị thay thế khỏi vị trí Thủ tướng nếu một nhân vật cấp cao ủng hộ Brexit như Ngoại trưởng Johnson hay Davis buộc phải từ chức. Tuy nhiên, cả hai phe trong đảng Bảo thủ chưa thể tìm kiếm một nhân vật nổi bật đủ sức thay thế bà.
Nói một cách ngắn gọn, Thủ tướng May mạnh hơn những gì người ta nghĩ, trong khi các đối thủ của bà thực tế không quá mạnh mẽ như họ thể hiện.

Vấn đề lớn nhất mà nữ Thủ tướng này đối mặt không phải là lực lượng này mà chính là khung thời gian eo hẹp dành cho các cuộc đàm phán tại Brussels. Và chính vấn đề này lại là điều mà những mâu thuẫn trong nội các và nội bộ đảng Bảo thủ đang ngày càng làm trầm trọng hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục