Vấn đề người di cư: Anh tuyên bố không tham gia hệ thống tị nạn chung của EU

15:00' - 08/03/2016
BNEWS Thủ tướng Anh David Cameron ngày 7/3 tuyên bố quốc gia này sẽ không tham gia bất kỳ hệ thống tị nạn chung nào của Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Anh David Cameron. Ảnh: Reuters

Trong một thông báo đăng trên tài khoản Twitter cá nhân, ông Cameron khẳng định Anh có quyền được lựa chọn có tham gia hệ thống tị nạn chung hay không.

Ông Cameron cũng cho biết Anh không phải thành viên Hiệp ước Schengen (miễn thị thực giữa các nước thành viên EU) nên quốc gia này hoàn toàn có thể duy trì các biện pháp bảo vệ biên giới.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi EU ra thông báo có thể đề xuất tập trung hóa đối với yêu cầu tị nạn, coi đây là một phần trong chính sách di cư tổng thể sẽ được công bố tại hội nghị toàn khối dự kiến diễn ra ngày 17-18/3 tới.

Theo hệ thống tị nạn hiện nay, người xin tị nạn phải nộp đơn ngay tại quốc gia EU đầu tiên mà họ đặt chân tới, yêu cầu khiến các quốc gia nằm ở cửa ngõ châu Âu như Italy và Hy Lạp phải tiếp nhận số đơn xin tị nạn không thể kiểm soát nổi. Trước tình trạng quá tải hiện nay, EU muốn điều chỉnh chính sách nhập cư để cân đối lại tỷ lệ này.

Trước đó, theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo EU đã nhóm họp tại Brussels, Bỉ, trong ngày 7/3 sẽ cố gắng để ký được một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về giải quyết cuộckhủng hoảng người di cư được coi lớn nhất kể từ đại chiến Thế giới lần thứ Hai. Tuy nhiên, quyết định về vấn đề này được hoãn tới hội nghị toàn khối sắp tới.

Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, Hungary công bố dự luật cắt giảm trợ cấp cho người tị nạn và giảm diện tích riêng tại các trung tâm tị nạn. Theo đó, bắt đầu từ 1/4 tới, các trường hợp được bảo vệ sẽ chỉ được phép lưu lại trong các trại tị nạn được nhà nước bảo trợ trong một tháng, thay vì 2 tháng như hiện nay.

Thời gian hưởng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ được nhà nước chi trả cho những đối tượng này cũng bị cắt giảm từ một năm xuống còn 6 tháng. Ngoài ra, không gian tối đa cho người tị nạn ở các trung tâm tị nạn sẽ bị giới hạn bằng với không gian trong các trại giam.

Một số trợ cấp khác, như quỹ hỗ trợ giáo dục, cho các trường hợp được bảo vệ cũng bị cắt giảm. Mục đích của động thái này là cắt giảm trợ cấp xã hội đối với người tị nạn cũng như các trường hợp được quốc tế bảo hộ nhằm ngăn chặn các trường hợp di cư tới Hungary vì lý do kinh tế.

Uỷ ban Helsinki Hungary, một tổ chức phi chính phủ về nhân quyền, cho rằng mục đích thực sự của những quy định mới nêu trên là xoá bỏ sự hỗ trợ giúp người tị nạn hội nhập vào xã hội Hungary và buộc họ phải tới nước khác.

Trong năm 2015 chỉ có trên 500 người tị nạn được bảo hộ ở Hungary. Thủ tướng nước này Viktor Orban đã cho dựng các hàng rào thép gai ở biên giới phía Nam nước này để ngăn chặn người tị nạn, đồng thời ra những quy định cứng rắn nhằm trừng phạt các trường hợp cố tình xâm nhập bất hợp pháp vào nước này.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Áo Reinhold Mitterlehner cũng cho rằng EU sẽ phải sử dụng vũ lực để bảo vệ đường biên giới vòng ngoài của liên minh này nếu cần thiết. Trả lời trong chương trình "Klartext" của kênh ATV, mặc dù bác bỏ việc dùng vũ lực như một công cụ để răn đe, ông Mitterlehner cũng cho rằng đôi khi việc viện tới công cụ này là không thể tránh khỏi.

Ông Mitterlehner cũng cảnh báo nguy cơ thỏa thuận về khu vực tự do đi lại Schengen sẽ sụp đổ trong năm 2017 và sẽ mất nhiều thời gian để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến thanh Thế giới II này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục