Vấn đề người di cư: Đức siết chặt với Luật tị nạn sửa đổi

08:58' - 16/10/2015
BNEWS Luật tị nạn sửa đổi nhằm mục tiêu đẩy nhanh quá trình xét duyệt đơn xin tị nạn và buộc những người bị bác đơn phải nhanh chóng rời khỏi nước Đức
Người di cư chen lên tàu tại nhà ga ở Beli Manastir, Croatia. Ảnh: Reuters/TTXVN

Ngày 15/10, sau một ngày tranh luận nảy lửa giữa các nghị sỹ, Hạ viện Đức (Bundestag) với 475 phiếu thuận, 68 phiếu chống và 57 phiếu trắng đã thông qua Luật tị nạn sửa đổi.

Việc sửa đổi luật này nhằm mục tiêu đẩy nhanh quá trình xét duyệt đơn xin tị nạn và buộc những người bị bác đơn phải nhanh chóng rời khỏi nước Đức. Ngoài ra, luật sửa đổi cũng sẽ quy định chặt hơn về việc trục xuất và giảm các trợ cấp xã hội cho những người tị nạn.

Theo đó, trong tương lai các khoản trợ cấp tiền mặt sẽ giảm xuống và thay vào đó là những hỗ trợ vật chất thiết yếu khác. Những người bị bác đơn xin tị nạn, nếu không tự nguyện rời khỏi nước Đức thì trong thời gian còn ở lại sẽ không nhận được bất kỳ trợ cấp xã hội nào.

Một điểm mới bổ sung vào luật là các nước và khu vực ở Balkan gồm Albania, Montenegro và vùng Kosovo sẽ được bổ sung vào danh sách “điểm xuất phát an toàn”.

Trong khi đó, Luật sửa đổi cũng mở ra cánh cửa rộng hơn đối với những người được cấp quyền ở lại. Cụ thể, nhiều chương trình hội nhập mới sẽ được triển khai và những người được chấp thuận tị nạn sẽ được tham gia nhanh hơn vào các chương trình này cũng như với thị trường lao động Đức.

Trong năm 2015, chính phủ liên bang cũng sẽ nâng hỗ trợ cho các bang và chính quyền địa phương gấp đôi lên 2 tỷ Euro. Từ năm 2016, chính phủ liên bang cấp cho mỗi người tị nạn một tháng tổng các khoản trợ cấp tương đương 670 Euro.

Ngoài ra, chính phủ liên bang cũng sẽ xây dựng nhiều nhà ở mới và thúc đẩy các chương trình chăm sóc trẻ vị thành niên nhập cư. Tổng các khoản hỗ trợ tiền mặt và hạ tầng cho các bang từ những kế hoạch này trong năm 2016 sẽ khoảng 4 tỷ Euro.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere đánh giá Luật tị nạn mới vừa được thông qua là “lần sửa đổi lớn nhất và toàn diện nhất của luật này từ những năm 1990”.

Trong khi đó, Thủ tướng Angela Merkel một lần nữa nhấn mạnh cuộc khủng hoảng nhập cư và tị nạn là “một thử thách lịch sử” đối với châu Âu và cần phải được giải quyết ở cả cấp độ quốc gia và toàn cầu. Bà Merkel cũng cho rằng Luật tị nạn sửa đổi của Đức là một bước quan trọng trong quá trình này.

Ngay trong ngày 16/10, Hội đồng liên bang (Bundesrat), tức Thượng viện Đức sẽ nhóm họp để xem xét và thông qua Luật tị nạn sửa đổi trên. Sau đó, chính phủ liên bang và chính phủ các bang sẽ nhóm họp một lần cuối để thống nhất triển khai luật. Dự kiến luật tị nạn sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/11/2015./.

TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục