Vấn nạn buôn bán động vật hoang dã ở châu Á

05:34' - 06/07/2016
BNEWS Nạn buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã trên thế giới cũng như ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang ở mức báo động, khiến cho nhiều loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Vấn nạn buôn bán động vật hoang dã ở châu Á. Ảnh minh họa: TTXVN

Về vấn đề này, báo “Bưu điện Jakarta” số ra mới đây có đăng bài viết với tựa đề “Các nước châu Á cần sớm ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã” của đồng tác giả Isabelle Louis và Jeremy Douglas, hai chuyên gia thuộc chương trình Môi trường Liên hợp quốc đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ngày môi trường thế giới năm nay (5/6) chú tâm đặc biệt tới việc buôn bán bất hợp pháp các loại động vật hoang dã. Đây là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đối với châu Á – khu vực tiêu thụ trái phép từ 20.000-25.000 sừng voi và hơn 1.200 sừng tê giác từ các nước châu Phi mỗi năm.

Nhu cầu sử dụng các loại sừng động vật nói trên ở châu Á gia tăng nhanh chóng để phục vụ cho nhu cầu làm đẹp, thực phẩm và đồ trang trí của các tầng lớp trung, thượng lưu của khu vực.

Hiện nay một số loài động vật như tê giác, hổ, voi đang có sự sụt giảm nhanh chóng, các loài động vật như tê tê, rùa và một số giống bò sát đang có nguy cơ tuyệt chủng vẫn thường xuyên được buôn bán, vận chuyển trái phép về khu vực châu Á.

Mặc dù rất khó để đánh giá một cách chính xác về giá trị thương mại của các loại động vật hoang dã ở châu Á. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho biết việc buôn bán các loại động vật này đem lại lợi nhuận khổng lồ và do vậy các đối tượng phạm tội thường tìm mọi cách để buôn bán các loại động vật hoang dã này.

Rất nhiều các quốc gia, các tổ chức quốc tế đã vào cuộc để ngăn chặn nạn buôn bán trái phép này, tuy nhiên thực tế là những kẻ buôn bán bất hợp pháp vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động của mình ở quy mô lớn. Các đối tượng buôn lậu hiện sử dụng các biện pháp công nghệ tinh vi, hối lộ các quan chức địa phương để buôn bán, vận chuyển.

Thời gian gần đây, thế giới chứng kiến việc có hàng tấn ngà voi do buôn bán, vận chuyển trái phép đã bị bắt giữ ở Campuchia, Hong Kong, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Các tác động đến môi trường do việc buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã gây ra đó là có thể dẫn đến sự lây lan các loại bệnh khi động vật sống được vận chuyển qua biên giới các nước.

Năm 2015, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã ra một nghị quyết mang tính bước ngoặt để kêu gọi các nước xem việc buôn bán bất hợp pháp các loại động vật hoang dã là một tội phạm hình sự./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục