Vẫn thiếu bộ quy chuẩn quốc gia cho ngành cao su

10:16' - 25/08/2015
BNEWS Do chưa có quy chuẩn quốc gia ngành cao su, nên chưa có sơ sở pháp lý cho việc kiểm tra chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra của các nhà máy.

Tại buổi làm việc vừa mới đây giữa các sở, ngành của tỉnh Đồng Nai, nhiều ý kiến đề nghị, để nâng cao chất lượng cao su Việt Nam trên thị trường, Nhà nước cần ban hành quy chuẩn quốc gia cho ngành cao su.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương nhằm đề ra những cơ chế hỗ trợ, giúp ngành cao su Việt Nam cũng như Đồng Nai vượt qua những khó khăn trong thời điểm hiện tại.

Trong việc phát triển cây cao su, Nhà nước cần nghiên cứu, dự báo chính xác nhu cầu của thị trường thế giới trong nhiều năm tới để có quy hoạch phù hợp.

Theo đại diện Viện Chính sách và Chiến lược – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiến nghị của tỉnh Đồng Nai rất sát với thực tế của ngành cao su nước ta cả ở hiện tại và tương lai. Hiện Nhà nước đang nghiên cứu các chính sách nhằm tạo tiền đo cho ngành cao su phát triển ổn định, bền vững.

Tuy nhiên, để sản phẩm cao su Việt Nam có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, ngoài sự trợ giúp của Trung ương, tỉnh Đồng Nai cũng cần ban hành cơ chế, giải pháp hỗ trợ; bản thân ngành cao su phải tiếp tục phấn đấu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Theo Sở Công Thương Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có khoảng 44.000 ha cao su, chủ yếu là cao su quốc doanh. Sản lượng cao su tự nhiên của tỉnh đạt gần 40.000 tấn/năm; trong số này có hơn 20.000 tấn được dùng để xuất khẩu với kim ngạch đạt 40 triệu USD.

Thị trường xuất khẩu cao su của Đồng Nai là Trung Quốc, Hà Lan và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Ngoài ra, mỗi năm, Đồng Nai cũng nhập khẩu hơn 50.000 tấn cao su, tương đương 129 triệu USD. 

Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Theo đánh giá của Sở Công Thương Đồng Nai, cao su của Đồng Nai xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô nên giá trị kinh tế mang lại không cao.

Mặt khác, do chưa có quy chuẩn quốc gia cho ngành cao su, nên chưa có sơ sở pháp lý cho việc kiểm tra chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra của các nhà máy. Chính vì thế, chất lượng cao su của Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng không ổn định.

Đây là những nguyên nhân khiến giá cao su xuất khẩu của Việt Nam thường thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan và Indonesia.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, giá cao su giảm liên tục (hiện chỉ còn khoảng 1.300 USD/tấn, chỉ ngang với giá thành sản xuất) cũng đang tạo ra sức ép rất lớn cho ngành cao su Đồng Nai.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, trong thời gian từ 2008 – 2011, giá cao su liên tục tăng, doanh nghiệp quốc doanh cũng như người dân Đồng Nai không ngừng mở rộng diện tích, nhiều gia đình đã chặt bỏ các loại cây công nghiệp khác để trồng cao su.

Song khoảng 4 năm qua, giá cao su giảm mạnh, người trồng loại cây này đang lo lắng. Nếu việc giảm giá tiếp tục duy trì trong vài năm tới, tình trạng dân chặt bỏ cây cao su để trồng cây khác có thể diễn ra.

Công Phong

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục