Vẫn thiếu niềm tin trong hoạt động đấu thầu

06:36' - 17/03/2016
BNEWS Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa cho biết, đa số doanh nghiệp vẫn bày tỏ cảm nhận thiếu niềm tin về tính lành mạnh trong cạnh tranh khi tham gia nhiều gói thầu.
Vẫn thiếu niềm tin trong hoạt động đấu thầu. Ảnh: Huy Hùng–TTXVN

Đặc biệt là với những gói thầu liên quan tới hoạt động đầu tư xây dựng các công trình, dự án hạ tầng cơ sở. Vẫn có tình trạng ưu ái, thiên vị khi xét duyệt hồ sơ thầu và lựa chọn nhà thầu.

Việc xây dựng các tiêu chí lựa chọn nhà thầu cũng được thực hiện thiếu minh bạch. Chưa kể, vẫn có sự can thiệp phi chính thức để hạn chế các nhà thầu tham gia bỏ thầu…

Theo ông Nguyễn Văn Đệ, đây là lĩnh vực hết sức nhạy cảm. Nhiều doanh nghiệp không “dám” lên tiếng vì ngại va chạm, vì sợ thua thiệt và để lại tiếng xấu ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Đây là tình hình chung của cả nước, không riêng gì với địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đây cũng là điều khiến doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng vào những nỗ lực cải cách thể chế mà Chính phủ và các cấp ngành đang theo đuổi và thực hiện nhằm cải thiện môi trường kinh doanh”, ông Đệ nói.

Dù đã có nhiều nỗ lực cải thiện như minh bạch thông tin, nâng tính chuyên nghiệp trong khâu tổ chức đấu thầu và triển khai thực hiện, song Luật Đấu thầu 2013 hiện còn tồn tại nhiều điểm chưa phù hợp, chưa đảm bảo đúng với nguyên tắc của cơ chế thị trường, cũng như chưa đảm bảo thực chất tính cạnh tranh lành mạnh. Khoảng cách giữa các quy định của luật với thực tiễn triển khai của doanh nghiệp còn ở rất xa.

Đúng như ông Đệ phản ánh, ngay trong Luật Đấu thầu được Quốc hội ban hành năm 2013 và được Chính phủ hướng dẫn thực hiện theo Nghị định 63/2014/NĐ-CP vẫn có khái niệm “Chỉ định thầu”. Điều mà nhiều chuyên gia nhận định là không giống với bất kỳ hình thức nào được quốc tế  quy định.

Điều mà xét về nguyên tắc của cơ chế thị trường là không phù hợp, không góp phần kích thích sự tham gia của doanh nghiệp, cũng như không tạo được động lực phát triển cho nền kinh tế.

Ông Ninh Viết Định, Trưởng Ban đấu thầu thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu luôn là điều được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm nhưng lại không được làm rõ và diễn giải theo luật định. Dẫn tới trình trạng thường xuyên xảy ra tranh chấp trong lĩnh vực đấu thầu.

Đáng lý, cần có sự kiểm soát chặt chẽ các nhà thầu nước ngoài; phải có những quy định về việc liên danh với nhà thầu trong nước, hoặc yêu cầu sử dụng nhà thầu phụ trong nước…

Quan hệ giữa nhà thầu và các đối tượng khác tham gia trong quy trình đấu thầu cần phải được quy định rõ ràng để tránh xung đột

 “Đây là những điều mà ngay trong Luật Đấu thầu, cũng như các điều kiện của Việt Nam hiện chưa thực sự tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch”, ông Định kết luận.

Dù Nhà nước quy định các gói thầu phải công khai thông tin qua các trang thông tin điện tử quốc gia, và qua báo giấy Đấu thầu để đảm bảo tính minh bạch; hay khuyến khích sử dụng phương thức điện tử trong đấu thầu, đấu thầu qua mạng… Song yếu tố con người thực thi luật vẫn là quyết định.

Không thể phủ nhận, đâu đó vẫn diễn ra tình trạng chạy dự án, “lobby” để được trúng thầu; vẫn tồn tại cảnh “người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra” vì có doanh nghiệp chỉ chuyên bán lại dự án, trong khi những doanh nghiệp đủ năng lực thực sự lại bị cho ra “rìa”….

Qua khảo sát ý kiến doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đúng như điều ông Đệ phản ánh, rất nhiều doanh nghiệp từ chối nêu tên, chỉ mặt từng công trình, dự án hay gói thầu mà mình từng tham gia. Dù rằng, trước đó, doanh nghiệp không ngần ngại tỏ quan điểm về những tồn tại trong Luật Đấu thầu hiện nay.

Nhiều người trong số họ cho rằng, những quy định liên quan tới giải quyết tranh chấp, xử lý gian lận trong đấu thầu… là những nội dung mang tính cách mạng nhằm nâng cao tính minh bạch, tăng tính giải trình và phù hợp với yêu cầu chung của hội nhập, song biết đâu chưa hẳn đã phù hợp với thực tiễn của chính doanh nghiệp Việt Nam.

Chia sẻ bức xúc của doanh nghiệp, ông Lê Minh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Đà Nẵng Miền Trung cho biết, với các công trình, dự án phục vụ mục đích phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nhiều nơi thường dùng dự án này để trả cho dự án kia theo phương thức đấu thầu công khai.

Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp gặp khó khăn khi thanh toán nếu không thắng gói thầu đó, hoặc nếu doanh nghiệp khác thắng thầu nhưng triển khai dự án chậm tiến độ.

Sự lòng vòng và việc áp dụng cứng nhắc các quy định trong đấu thầu cũng bó chân doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp bị “chôn” vốn, thiếu nguồn để quay vòng và tái đầu tư. Khó khăn sẽ càng chồng chất khó khăn, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh và sức ép từ hội nhập.
Có thể nhận thấy, môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo đủ các điều kiện để doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh đang là điều mà toàn xã hội quan tâm.

Nhất là kể từ năm 2016 trở đi, khi Việt Nam đã thực sự nhập cuộc và trở thành thành viên của nhiều hiệp định tự do thương mại quốc tế./

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục