Vào TPP, doanh nghiệp cần đổi mới quy trình quản trị

06:00' - 12/10/2015
BNEWS Một thách thức nội tại là doanh nghiệp cần đổi mới và thay đổi căn bản quy trình quản trị để đem lại giá trị tốt hơn mới mong có tính cạnh tranh.

Những cơ hội và thách thức khi bước vào "sân chơi" TPP đối với doanh nghiệp Hải Phòng như thế nào đã được ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hải Phòng chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.

Phóng viên (PV):  Thưa ông, được biết, tham gia hiệp định TPP, cơ hội là rất lớn (đó là thị trường mở rộng, thuế quan giảm, có những mặt hàng thuế bằng 0, dễ dàng tìm kiếm những thị trường mới... ), nhưng thách thức còn lớn hơn đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Với tư cách là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hải Phòng, xin ông cho biết đâu là cơ hội, đâu là thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp Hải Phòng?

Ông Phạm Hồng Điệp:  Việt Nam tham gia Hiệp định TPP là một sân chơi rất lớn giao thương giữa các quốc gia, mà ở đó doanh nghiệp với vai trò chủ đạo lưu thông hàng hoá, tiền tệ, văn hoá... Hoà đồng là một thị trường lớn, trong đó Việt Nam phải chấp nhận chuyển dịch kinh tế đi đúng quy luật kinh tế thị trường theo những cam kết đã ký của TPP.

Nội dung cụ thể của TPP chúng ta chưa được biết hết, nhưng những nguyên lý cơ bản thì qua các phương tiện truyền thông chúng ta đều biết và đang có một cảm giác thay đổi, mới mẻ phía trước đang chờ đón các doanh nghiệp Việt Vam. 

Đối với cộng đồng doanh nghiệp Hải Phòng đón nhận TPP thế nào? Trước hết ta nói về cơ hội: ai cũng biết Hải Phòng có một vị trí địa lý chính trị quan trọng của cực tăng trưởng phía Bắc, cửa ngõ ra biển giao thương với thế giới, đó là cơ hội mà thiên nhiên ban tặng cho doanh nghiệp Hải Phòng.

Định hướng phát triển kinh tế của Hải Phòng cũng đang chuyển dịch từ phát triển kinh tế công nghiệp chuyển sang kinh tế dịch vụ khai thác ưu thế địa lý chính trị của miền Bắc và tập trung trọng điểm vào các dịch vụ logistics, cảng biển, vận tải hàng không, vận tải đường bộ và dịch vụ xuất nhập khẩu ... Đây là một chu trình quan trọng trong TPP để lưu thông, hội nhập kinh tế của thị trường TPP.

Chế biến tôm đông lạnh ở Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Các nghành công nghiệp, nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp vượt qua hàng rào thuế quan của các nước tham gia TPP hoà nhập vào thị trường lớn không biên giới thuế quan mà tại đó GDP chiếm 40% GDP trên toàn thế giới.

Như vậy, với hai ưu thế cơ bản nói trên đó là thế mạnh của các doanh nghiệp không kể là doanh nghiệp trong nước hay FDI đều được hưởng lợi, cũng đúng với Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Còn thách thức thì sao? Để đi những bước đi vững chắc hội nhập còn cần rất nhiều dòng vốn bỏ vào xây dựng hạ tầng cho Hải Phòng như cảng biển, kho bãi, nhân lực, hạ tầng giao thông, phương tiện, phần mềm công nghệ, kỹ năng quản trị... để ngang bằng với các nước phát triển tham gia TPP mới mong cạnh tranh và hội nhập được.

Đặc biệt, chúng ta đang thiếu nguồn lao động chất lượng cao trong đó phải kể đến hàm lượng chất xám và công nghệ (các doanh nghiệp Hải Phòng đang rất thiếu và yếu).

Các kiến thức quản trị hệ thống, quản trị khối ... Các điều kiện tiêu chuẩn, chất lượng hàng hoá, các tập quán buôn bán giao thương giữa các thị trường còn rất thiếu, đây là một khó khăn cũng như thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp Hải Phòng, vì chúng ta đang ở trình độ vừa phải, hội nhập chưa sâu với các thị trường. 

Các điều ước quốc tế, các chuẩn về đạo đức kinh doanh, các trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, của sản phẩm hàng hoá lưu thông... chúng ta còn rất sơ khai đó là thách thức rất lớn khi hội nhập. Nếu không ý thức được điều này thì e rằng doanh nghiệp sẽ không tồn tại. 

Một rào cản lớn nữa là, các bộ luật hiện hành của chúng ta điều chỉnh các hành vi, hoạt động thương mại cũng phải sửa đổi để phù hợp, nhưng chúng ta lại phản ứng chậm chưa kịp thời... Tôi lấy ví dụ: Luật thuế của Singapore rất đơn giản dễ hiểu và quản trị một cấp liên thông, nhưng Luật thuế của Việt Nam còn tính nhiều cấp độ, nhiều loại thuế... 

Như vậy, nói đến TPP ai cũng mừng nhưng còn rất nhiều việc phải làm, phải tháo gỡ nhanh để cùng cấp độ để tích hợp với thị trường TPP... Một thách thức nội tại là doanh nghiệp cần đổi mới và thay đổi căn bản quy trình quản trị để đem lại giá trị tốt hơn mới mong có tính cạnh tranh.                    

Sản xuất thức ăn gia súc - Cụm Công nghiệp Thiên Lộc, Can Lộc. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

PV:  Theo ông, có bao nhiêu % trong tổng số doanh nghiệp ở Hải Phòng được coi là thế mạnh và được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP?

Ông Phạm Hồng Điệp:  Như phân tích ở trên, kinh tế Hải Phòng đang chuyển dịch cơ cấu từ công nghiệp sang kinh tế dịch vụ thì những doanh nghiệp làm dịch vụ được hưởng lợi ngay khi TPP có hiệu lực, sau đó đến các doanh nghiệp FDI đã đầu tư tại Hải Phòng vì họ có công nghệ phù hợp, có hệ thống quản trị tiên tiến, có thị trường truyền thống, các chuẩn mực kinh doanh, các tập quán buôn bán địa phương tại các nước tiêu dùng họ đã có sẵn họ chỉ việc mở rộng thi trường ...   

 Đối với doanh nghiệp sản xuất nội địa đã làm hàng xuất khẩu hợp chuẩn với các thị trường truyền thống của doanh nghiệp nay chỉ việc mở rộng sản xuất để có thị trường rộng hơn. Như vậy, hiện nay ở Hải Phòng các doanh nghiệp được hưởng lợi ngay và nhiều từ TPP trên 3 lĩnh vực mũi nhọn theo tôi khoảng 40%.

Đây là con số rất khiêm tốn với cộng đồng doanh nghiệp Hải Phòng và Hải Phòng cần có những chính sách rõ ràng, cụ thể hơn nữa, có môi trường tốt hơn nữa để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển, lúc đó mới mong hội nhập sâu rộng vào TPP. Vấn đề cốt lõi là môi trường thủ tục hành chính và kiến thức quản trị của cộng đồng doanh nghiệp Hải Phòng tham gia TPP. 

PV: Quan điểm của ông như thế nào trong việc đổi mới thể chế, trong đó có thể chế nền kinh tế thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh (gồm: cải cách thủ tục hành chính; hành lang pháp lý; môi trường kinh doanh; nguồn nhân lực chất lượng cao...) nhằm giúp doanh nghiệp khắc phục hạn chế, tự tin hội nhập TPP? 

Ông Phạm Hồng Điệp:  Rõ ràng khi tham gia TPP các điều khoản ràng buộc về mặt pháp lý là công bằng, đồng thuận giữa các quốc gia, kèm theo đó là sự hoà đồng về thị trường, như vậy để tương thích với các quốc gia tham gia TPP thì Việt Nam cũng cần có nhận thức, pháp lý (các bộ luật phù hợp, tương thích với thị trường hàng hoá chung) đồng nghĩa với nhận thức chính xác về kinh tế thị trường để có thể vận hành được nền kinh tế hội nhập quốc tế.

Bước đầu tiên chúng ta cần phải thay đổi nhận thức, cần hiểu rõ hơn về kinh tế thị trường và đi đúng theo quy luật của nó, từ đó thay đổi hành vi ứng xử như: Thay đổi các điều luật cho phù hợp với những quy định chung đã được cam kết giữa các nước tham gia TPP như Luật sở hữu trí tuệ, Luật dân sự, Luật thương mại, Luật hình sự...

Thay đổi, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính từ trên xuống dưới đó là cách nhìn về quản trị xã hội tiên tiến. Các hành lang pháp lý cần rõ ràng rành mạch không thiên vị, không ép buộc ... Như vậy, nhận thức xã hội cần thay đổi để không bị loại ra khỏi cuộc chơi, để từ đó các doanh nghiệp mới có cơ hội cải cách và vận hành tốt; các bộ luật, các cam kết từ nhà nước cần được ổn định rõ ràng đối với đối tượng bị tác động là doanh nghiệp.

Một điều tối quan trọng là cải cách giáo dục cho thế hệ trẻ, tránh giáo điều (điều này nói nhiều nhưng vẫn khó khắc phục) và thực sự giáo dục phải đào tạo ra được lớp người mới có kỹ năng làm việc thông tuệ, có kỹ năng hấp thụ những cái mới, lúc đó mới tin là có môi trường kinh doanh tốt để các doanh nghiệp tự tin hội nhập.

Tôi tin các doanh nghiệp Việt Nam có đầy đủ tâm huyết, tự tin, bản lĩnh, yêu nước để đúng là những chiến sĩ thời bình xây dựng và chấn hưng đất nước để tham gia hội nhập sâu TPP, chấp nhận những thách thức, đón nhận nhanh những cơ hội... Rất mong chờ các chính sách vĩ mô rộng mở để tạo sân chơi cho các doanh nhân Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đoàn Minh Huệ (thực hiện)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục