VBF cuối kỳ 2017: Nâng cao năng suất thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân

20:46' - 11/12/2017
BNEWS Nội dung chính của Diễn đàn VBF cuối kỳ năm 2017 sẽ bàn tới những giải pháp nhằm nâng cao năng suất, thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân.
Họp báo trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2017. Ảnh: Ngọc Quỳnh/TTXVN

Tại họp báo trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI và là đồng Chủ tịch VBF cho biết, nội dung chính của Diễn đàn VBF cuối kỳ năm 2017 sẽ bàn tới những giải pháp nhằm nâng cao năng suất, thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân. Qua đó, cải thiện tình hình tài chính và môi trường kinh doanh, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Theo ông Lộc, đây là diễn đàn được tổ chức thường niên. Mỗi năm, diễn đàn đối thoại được tổ chức hai lần giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, cũng là mô hình điển hình của cơ chế đối thoại. Đó là điều duy nhất chỉ có ở Việt Nam và một số nước trên thế giới hiện đang nghiên cứu và học tập để triển khai tương tự. Diễn đàn là sự tích hợp tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam...cùng với tiếng nói của các tiểu ban, nhóm công tác, chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề liên quan tới môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện nay.
Diễn đàn VBF cuối kỳ năm 2017 sẽ tập trung làm rõ một số vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp đang rất quan tâm. Đó là làm sao để nâng cao năng suất lao động, tăng cường nền tảng tài chính và thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển; trong đó, tạo cơ hội cho khu vực kinh tế tư nhân có nhiều bứt phá.
Theo báo cáo gửi Chính phủ do VCCI ghi nhận, từ đầu năm 2017 tới nay, môi trường kinh doanh của doanh nghiệp đã được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt là sau khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua và sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ ngành tích cực triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tới năm 2020. Đây là những chính sách đột phá tạo nên đường hướng phát triển doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh hơn bao giờ hết tại Việt Nam.
Đồng tình với những vấn đề mà ông Lộc nêu ra, ông Hirohide Sagara, đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng, cùng với đẩy mạnh quá trình cổ phần hoá để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển cần phải duy trì môi trường kinh doanh ổn định, thuận lợi với những điều kiện kinh doanh tốt nhất; giảm chi phí, tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Đó sẽ là những giải pháp thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển.
Ông Sagara nêu thêm, so với những chuẩn mực của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thì những kết quả mà Việt Nam đạt được vẫn còn khoảng cách xa như môi trường đầu tư kinh doanh còn không ít trở ngại, thách thức và chặng đường cải cách vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Lộc cho hay, mặc dù, Chính phủ đã đưa ra nhiều cải cách nhưng các bộ ngành chưa chuyển động được như mong muốn. Một số bộ ngành còn chần chừ trong việc cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Đây là điều cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi và kiến nghị.
“Có những vấn đề tuy không mới và được nhắc lại rất nhiều nhưng quá trình cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn cần phải kiên trì kiến nghị. Cộng đồng doanh nghiệp vẫn kỳ vọng sẽ được cải thiện nhanh hơn và được tạo thuận lợi nhiều hơn cho doanh nghiệp... Bởi quản lý không phải là mục tiêu, mục tiêu phải là tạo điều kiện thuận lợi hết sức cho cộng đồng doanh nghiệp”, ông Lộc nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục