Vì sao ANA trở thành cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines?

07:16' - 08/08/2016
BNEWS Việc lựa chọn mua cổ phần Vietnam Airlines đã được ANA tính toán từ trước, bất chấp số tiền bỏ ra cho thương vụ này cao hơn nhiều so với các thương vụ mà Tập đoàn đã thực hiện.
Tập đoàn ANA Holdings đã trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vietnam Airlines. Ảnh: All Nippon Airways

Ngay khi cái tên ANA Holdings là cổ đông chiến lược của Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) chính thức được công bố, nhiều thắc mắc xung quanh Tập đoàn này đã được đưa ra bàn luận. Vậy ANA Holdings là Tập đoàn như thế nào và vì sao Tập đoàn này lại được Vietnam Airlines tin tưởng để bắt tay hợp tác.


Hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản

ANA Holdings là công ty mẹ của All Nippon Airways, hàng không lớn nhất Nhật Bản, được thành lập từ năm 1952, tiền thân là công ty kinh doanh vận tải hàng không (Japan Helicopter and Aeroplane Transport Co.). 
Trải qua hơn 60 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn này hiện đang sở hữu tới 62 công ty con và 18 chi nhánh tại châu Âu, Singapore, Bắc Mỹ và hiện diện trên hầu hết các sân bay lớn trên thế giới. 
Bên cạnh phân khúc chính là vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường hàng không, ANA Holdings còn tham gia các hoạt động kinh doanh khác liên quan tới hàng không như chăm sóc hành khách và dịch vụ công nghệ thông tin và lĩnh vực thương mại, bán lẻ hàng tiêu dùng.
Năm 2015, ANA Holdings đạt mức lợi nhuận 1.791,2 tỷ Yên, quy mô hơn 36 nghìn nhân viên, sở hữu đội tàu bay lên tới 249 chiếc, khai thác 90 điểm đến và vận chuyển khoảng 47 triệu lượt hành khách/năm.
Hãng hàng không All Nippons Airways (ANA) -đơn vị chủ lực của ANA Holdings- hiện là hãng hàng không có mức lợi nhuận và số lượng hàng khách lớn nhất Nhật Bản. ANA đã gia nhập Liên minh hàng không Star Alliance và được đánh giá là hãng hàng không 5 sao với chất lượng dịch vụ xếp vào hàng nhất thế giới do Skytrax – tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng không uy tín trên thế giới bình chọn.
Với tham vọng và kế hoạch trở thành hãng hàng không hàng đầu thế giới, ANA có mặt ở hầu hết các sân bay trên thế giới, đa dạng hóa thương hiệu thông qua việc sở hữu hàng loạt các hãng hàng không quốc tế khác như Vanilla Air, Air Do, Allex Cargo (ANA Cargo), AirAsia chi nhánh Nhật Bản và mở các công ty con trực thuộc như ANA Wings, ANA&JP Express…
Năm 2015, ANA đã đánh bại Delta Airlines của Mỹ để mua 16,5% cổ phần tại hãng hàng không giá rẻ của Nhật Bản là Skymark. 

Chinh phục thị trường Đông Nam Á

ANA sở hữu đội tàu bay lên tới 249 chiếc với 90 điểm đến trên thế giới. Ảnh: ANA

Từ năm 2015, ANA Holdings đã lập kế hoạch mở rộng mạng lưới sang thị trường Đông Nam Á thông qua việc mở các đường bay và hợp tác với các đối tác mới. ANA hiện đang khai thác 7 điểm đến tại khu vực này, bao gồm: Bangkok, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Jakarta, Manila, Singapore và Yangon. Đây được xem là địa bàn tăng trưởng chính của ANA trong những năm gần đây và được xác định là khu vực trọng điểm trong chiến lược phát triển dài hạn của Tập đoàn.
Sau thất bại của thương vụ mua lại 49% cổ phần của hãng hàng không giá rẻ Myanmar Asian Wings, ANA Holdings chuyển hướng lựa chọn các đối tác chiến lược để đầu tư thông qua việc cải tiến sản phẩm và lựa chọn phân khúc cao hơn. 
Tập đoàn đặc biệt nhìn thấy cơ hội để phát triển cổ phần trong việc hợp tác với các đối tác kinh doanh tại thị trường Đông Nam Á - Nhật Bản bằng việc nâng cấp sản phẩm hạng thương gia trong các đường bay dài trung bình. Đây là bước đi nhạy bén của ANA, đặc biệt là tại các thị trường cạnh tranh khốc liệt như Jakarta (Indonesia) và Singapore. 

Đối tác chiến lược

ANA Holdings chính thức trở thành đối tác chiến lược của Vietnam Airlines từ ngày 1/7/2016, sau khi bỏ ra số tiền trị giá 2.431 tỉ đồng (tương đương 109 triệu USD) để sở hữu 8,771% cổ phần của Vietnam Airlines.

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh và Tổng giám đốc Tập đoàn ANA Shinya Katanozaka ký hợp đồng mua bán cổ phần. Ảnh: Vietnam Airlines
Cái bắt tay giữa hai ông lớn ngành hàng không dự kiến sẽ mang lại những cơ hội mới cho cả hai phía. Phát biểu tại lễ ký hợp đồng mua bán cổ phần giữa hai bên, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh nhận định: “Mối quan hệ hợp tác chiến lược sẽ giúp Vietnam Airlines và tập đoàn ANA khai thác, tận dụng thế mạnh lẫn nhau nhằm mở rộng mạng đường bay và phát triển sản phẩm”. 
Điều này được khẳng định thông qua mục tiêu lựa chọn đối tác chiến lược của Vietnam Airlines đó là “lựa chọn nhà đầu tư đồng hành trong quá trình phát triển dài hạn của Vietnam Airlines, chia sẻ lợi ích, mục tiêu phát triển với giá trị cốt lõi là hàng không".
Về phía ANA Holdings, việc lựa chọn Vietnam Airlines đã được tính toán từ trước, bất chấp số tiền bỏ ra cho thương vụ này cao hơn nhiều so với toàn bộ các giao dịch mà ANA đã thực hiện để sở hữu các hãng hàng không khác.
Tổng giám đốc Tập đoàn ANA Holdings Shinya Katanozaka cho biết: “ Chúng tôi rất vui mừng khi được chia sẻ kinh nghiệm nhiều năm của tập đoàn ANA với Vietnam Airlines, bao gồm cả việc hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ và đóng góp cho sự tăng trưởng, phát triển chung giữa hai đơn vị”.
Theo một số chuyên gia hàng không đánh giá, một trong những yếu tố quan trọng nhất trong quyết định của ANA là tiềm năng phát triển dịch vụ hàng không tại Việt Nam hiện đang rất lớn.
Bên cạnh đó, các phân khúc giá rẻ hiện đang chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt, trong khi thị phần dành cho phân khúc hạng cao cấp và trung bình hiện đang còn nhiều cơ hội. Về cơ bản, Vietnam Airlines hoàn toàn đáp ứng những tiêu chí này của ANA.
Ngoài ra, một mục tiêu quan trọng khác nữa trong chiến lược chinh phục thị trường Đông Nam Á của ANA chính là hưởng lợi từ chính sách bầu trời mở (Sky Open) và khai thác thị phần từ Liên minh hàng không SkyTeam mà Vietnam Airlines là thành viên. 
Do ANA đang là thành viên của Liên minh hàng không Star Alliance mà các thành viên chủ yếu thuộc châu Âu và Bắc Mỹ, trong khi Liên minh hàng không SkyTeam lại có thế mạnh rất lớn tại thị trường châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á. 
Thông qua Vietnam Airlines, cơ hội hợp tác và liên kết tại 850 điểm đến tại 169 quốc gia của Liên minh SkyTeam sẽ được ANA tận dụng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục