Vì sao cửa trị thủy nghìn tỷ Lạch Giang vẫn vắng bóng tàu, thuyền?

11:05' - 30/03/2016
BNEWS Gần đây, xuất hiện thông tin cho rằng chất lượng dự án cửa trị thủy nghìn tỷ Lạch Giang có vấn đề khi vừa khánh thành đã bị lún, luồng, tuyến chưa đạt yêu cầu nên tàu bè đi lại khó khăn.
Luồng tàu qua cửa Lạch Giang. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Cửa Lạch Giang (thuộc Dự án phát triển giao thông khu vực Đồng bằng Bắc bộ - WB6) nằm cuối nguồn sông Ninh Cơ (Nam Định) được Bộ Giao thông Vận tải thông luồng kỹ thuật tháng 11/2015.

Cửa sông được xây dựng nhằm đưa các tàu cỡ lớn 1.000 - 3.000 tấn từ hệ thống sông Hồng, sông Đáy ra biển, xuôi vào miền Trung, Nam và ngược lại nhằm giảm tải cho đường bộ.

Tuy nhiên, gần đây, xuất hiện thông tin cho rằng chất lượng dự án có vấn đề khi vừa khánh thành đã bị lún, luồng, tuyến chưa đạt yêu cầu nên tàu bè đi lại khó khăn.

Trao đổi với phóng viên, bà Lã Hồng Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng và công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, qua gần 4 tháng thông luồng kỹ thuật, Hội đồng nghiệm thu Bộ Giao thông Vận tải, đánh giá dự án đảm bảo chất lượng theo yêu cầu đề ra.

Cụ thể, Cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang với giải pháp thiết kế tối ưu, sử dụng mặt cắt đê rộng, kết hợp lưới địa kỹ thuật và bệ phản áp hai bên thân đê đã tránh được việc phải thay nền đất yếu phía dưới, tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh được tiến độ thi công.

Với giải pháp thiết kế này sẽ phải cho phép lún theo thời gian, trong đó lún trong quá trình thi công đến khi xếp hoàn thiện các khối bê tông chắn sóng (khối Haro) diễn biến mạnh nhất. Việc quan trắc lún đã được thực hiện trong quá trình thi công đá lõi để làm cơ sở cho việc tính toán và thi công đá lõi đê cho dự phòng lún theo thời gian.

“Với phương án kỹ thuật trên, các kỹ sư thiết kế đã dự phòng độ lún của công trình ngay từ lúc thi công cho đến suốt quá trình khai thác của dự án sau này. Tại công cửa Lạch Giang tiêu chuẩn chiều cao thân đê được thiết kế cao 8m, nhưng tính toán độ lún thực tế thì thân đê đã được xây dựng cao 9m. Như vậy, các kỹ sư thiết kế đã dự phòng cho phép lún là 1m trong vòng 20-30 năm tới” - bà Lã Hồng Hạnh cho hay.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, (WB - cho vay vốn và giám sát dự án) đánh giá, việc triển khai dự án WB6, trong đó có việc cải tạo cửa Lạch Giang là một trong những dự án khó khăn nhất thế giới nhưng vượt tiến độ, đạt chất lượng quốc tế và không đội vốn.

Theo ông Jérôme Mentré, kỹ sư giám sát trưởng của công trình cửa Lạch Giang thuộc Công ty Compagnie Nationale du Rhône (Cộng hòa Pháp), cụm Lạch Giang đối diện các khó khăn về sóng gió, dòng chảy phức tạp và các nhà thầu chưa có nhiều kinh nghiệm thi công vùng cửa sông ven biển. Tuy nhiên, ông này cho hay, dự án đã cán đích đúng tiến độ, chất lượng nhờ các giải pháp kỹ thuật táo bạo.

Đặc biệt, theo ông Jérôme Mentré, quyết định không đào 3-4m nền đất yếu mà đổ trực tiếp đá lên lưới kỹ thuật trải lên nền đất yếu (có tính đến việc bù lún, bảo hành 2 năm) giúp tiết kiệm khoảng 25 triệu USD (tương đương hơn 500 tỷ đồng), rút ngắn thời gian thi công.

Việc sắp xếp các khối Haro theo lớp, hàng, thay vì xếp tự do (phổ biến trên thế giới), ông Jérôme Mentré cho rằng tuy phức tạp trong thi công nhưng đảm bảo yếu tố “phá sóng” tối ưu, tiết kiệm, dễ kiểm đếm và tăng tính thẩm mỹ.

Theo ông Đinh Quang Đăng, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nam Định (Cục Hàng hải Việt Nam), từ khi thông luồng đến nay, cửa Lạch Giang mới đón được 10 chuyến tàu loại 3.000 tấn của một công ty vận chuyển dăm gỗ ra biển; tàu trên 1.000 tấn có tổng số 82 chuyến ra vào.

Một doanh nghiệp từ đầu năm đến cảng vụ tìm hiểu để chở đá từ Ninh Bình theo luồng Lạch Giang vào khu công nghiệp Formusa (Hà Tĩnh) nhưng chưa quay lại. Bên cạnh đó, cũng có một vài doanh nghiệp có nhu cầu tìm quỹ đất để đầu tư kho xăng dầu gần cửa sông...

“Trước đây, cửa Lạch Giang được coi là cửa tử; phù sa bồi đắp, luồng lạch phức tạp. Tàu lớn không thể ra vào; tàu cá ngư dân cũng nhiều lần bị đánh chìm ngay tại cửa sông. Nay cửa sông mới được mở thẳng tắp, phục vụ cho tàu hơn nghìn tấn nhưng chưa phát huy hết công suất; anh em cảng vụ cũng không nhiều việc để làm”– ông Đinh Quang Đăng chia sẻ.

Như vậy dù cửa Lạch Giang được đầu tư hàng nghìn tỷ (75 triệu USD) để cải tạo, đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ theo tiêu chuẩn quốc tế mà WB đã đánh giá nhưng vẫn chưa thể phát huy hết hiệu quả vì thiếu nguồn hàng cho tàu hoạt động.

Nguyên nhân chính của việc khan hiếm hàng hoá này chính là việc chưa có thông báo hàng hải và chậm thực hiện dự án nối thông sông Ninh Cơ với sông Đáy theo đúng quy hoạch.

“Cảng Ninh Phúc, cảng Ninh Bình bên sông Đáy là nơi có nguồn hàng lớn với hàng loạt nhà máy như xi măng Tam Điệp; xi măng Vinakansai; xi măng Hướng Dương; xi măng Duyên Hà; xi măng Bỉm Sơn; xi măng Bút Sơn, nhà máy phân lân nung chảy… Chỉ có cách nối thông sớm hai sông lại với nhau, cửa Lạch Giang mới thực sự phát huy tác dụng” - ông Đinh Quang Đăng phân tích.

Khu đổ đất nạo vét phía bắc cửa Lạch Giang. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Về lý do triển khai dự án kênh đào nối Sông Đáy và Ninh Cơ với dự án Lạch Giang thực hiện chậm hơn so với dự kiến, ông Lê Huy Thăng, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường thuỷ – đơn vị trực tiếp quản lý dự án cửa Lạch Giang (Bộ Giao thông Vận tải), cho hay: “Đáng ra, hạng mục kênh nối Đáy - Ninh Cơ được thực hiện đồng thời với cửa Lạch Giang nhưng vì thiếu vốn nên hạng mục này phải thực hiện ở giai đoạn sau. Hiện WB đã đồng ý cho vay bổ sung khoảng 82 triệu USD để thực hiện hạng mục kênh nối Sông Đáy và Ninh Cơ, dự tính thủ tục sẽ hoàn thành sớm để ngay trong tháng tới sẽ ký được hiệp định vay vốn.

Còn nguyên nhân luồng chưa được công bố hàng hải, bố trí phao tiêu, báo hiệu, ông Lê Huy Thăng, lý giải: “Luồng chạy tàu qua cửa Lạch Giang được thiết kế rộng 112-115m, cao độ đáy âm 6,5m, hoàn toàn đáp ứng cho tàu 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải lưu thông qua.

Tuy nhiên, gói thầu cung cấp và lắp đặt phao tiêu báo hiệu cho toàn bộ hành lang đường thủy từ Lạch Giang lên Hà Nội được thực hiện sau, đến nay chưa hoàn thành chưa có thông báo hàng hải chính thức. Do đó, các nhà thầu vẫn phải duy trì tàu nạo vét sa bồi, chờ tái tạo ổn định của dòng chảy tự nhiên".

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật, để tăng hiệu quả khai thác của cửa Lạch Giang, Bộ Giao thông Vận tải đang gấp rút yêu cầu đo đạc và công bố luồng hàng hải để thu hút các chủ tàu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục