Vì sao Nam Phi tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân?

05:30' - 15/12/2017
BNEWS Trang tin National Interest (Mỹ) số ra mới đây có bài phân tích về việc Nam Phi tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân của tác giả Robert Farley, giảng viên cao cấp thuộc Đại học Kentucky.
Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nội dung bài viết, Cộng hòa Nam Phi là nước duy nhất trên thế giới xây dựng chương trình vũ khí hạt nhân, sau đó lại tự từ bỏ chương trình này khi các điều kiện trong nước và quốc tế thay đổi. Tại sao Nam Phi quyết định xây dựng kho vũ khí hạt nhân?

Làm thế nào để nước này xây dựng được kho vũ khí hạt nhân? Vì sao nước này lại quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân? Câu trả lời phần lớn không rõ ràng cho dù câu trả lời đó có thể là bài học cho tương lai phát triển vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và các nơi khác hiện nay và trong tương lai.

Cộng hòa Nam Phi tìm kiếm vũ khí hạt nhân vì những lý do quen thuộc. Mặc dù quốc gia miền Nam châu Phi này có khả năng vượt trội so với bất kỳ đối thủ nào trong khu vực, song Pretoria vẫn lo ngại lợi thế này có thể sẽ bị suy giảm theo thời gian.

Chính phủ Nam Phi cũng nhận thấy rằng thái độ khinh thị rộng rãi đối với chế độ phân biệt chủng tộc của nước này có thể ngăn cản các nước phương Tây (bao gồm cả Mỹ) đến trợ giúp trong bất kỳ cuộc đối đầu nghiêm trọng nào chống lại Liên bang Xôviết hay các đồng minh trước đây. 
Vũ khí hạt nhân sẽ cung cấp không chỉ vũ khí trực tiếp để đối phó với cuộc tấn công quân sự chống lại Nam Phi, mà còn là một phương tiện để tận dụng sự hỗ trợ về ngoại giao và quân sự của phương Tây trong thời khủng hoảng. Nam Phi có thể khai thác uranium trên lãnh thổ của họ và làm giàu uranium cho các cơ sở trong nước. 

Với nền kinh tế công nghiệp hiện đại và khả năng tiếp cận với các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ ở Mỹ và châu Âu, Nam Phi có thể dễ dàng phát triển chuyên môn kỹ thuật cần thiết để chế tạo vũ khí. Chính phủ Nam Phi không lo lắng quá nhiều về việc theo đuổi vũ khí hạt nhân có thể khiến cho nước này trở thành một quốc gia bị cô lập.
Nhìn chung, Nam Phi đã chế tạo 6 loại vũ khí hạt nhân uranium. Các thiết bị này quá lớn và không thể phù hợp với bất kỳ loại tên lửa nào mà Nam Phi hiện có, và do đó chúng sẽ được cung cấp cho các máy bay ném bom của nước Anh như Electric Canberra hay Blackburn Buccaneer.

Nam Phi đã khám phá ra khả năng xây dựng hoặc thu thập tên lửa đạn đạo có khả năng mang vũ khí hạt nhân cho dù điều này đòi hỏi các thiết bị này cần phải được nâng cấp đáng kể. Pretoria không thực hiện cuộc thử nghiệm đầy đủ nào dành cho các thiết bị đã được xác nhận vì áp lực nặng nề từ Mỹ, Liên Xô và Pháp đã khiến quốc gia châu Phi này phải hủy bỏ một cuộc thử nghiệm nổ dưới lòng đất hồi năm 1977.
Tin đồn về viện trợ nước ngoài cho chương trình hạt nhân của Nam Phi đã tồn tại trong nhiều năm. Các nhà phân tích nghi ngờ hoặc biết ít nhất 4 quốc gia có những ủng hộ nhất định đối với chương trình hạt nhân của Nam Phi. Mỹ cung cấp nhiều công nghệ ban đầu liên quan đến chương trình hạt nhân dân sự của Nam Phi thông qua nhiều chương trình trợ giúp khác nhau. 

Mặc dù không có ý đẩy nhanh việc phổ biến vũ khí hạt nhân, song sự trợ giúp này đã tạo cơ sở cho chương trình hạt nhân cuối cùng của Nam Phi. Pháp và Pakistan cũng có thể đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật tại nhiều thời điểm trong quá trình phát triển chương trình hạt nhân.
Sự giảm căng thẳng chung liên quan đến việc kết thúc của Chiến tranh Lạnh đã làm giảm nhu cầu của Nam Phi về chiến lược răn đe hạt nhân. Các quốc gia như Angola không còn tin tưởng vào sự hỗ trợ của Liên Xô và Cuba nữa, và do đó không thể đặt ra mối đe dọa quân sự đối với Nam Phi. Đến năm 1994, tất cả các thiết bị hạt nhân của Nam Phi đã được tháo dỡ.
Một số người ủng hộ kiểm soát vũ khí đã chỉ ra rằng Nam Phi là một mô hình tiềm năng để giải trừ vũ khí hạt nhân trong tương lai. Tuy nhiên, trường hợp của Pretoria rất khác biệt. Các mối đe dọa an ninh quốc gia cốt lõi đối với nhà nước đã biến mất, đồng thời sự thay đổi bản chất của chế độ đã làm cho những thay đổi quy mô lớn trong chính sách an ninh quốc gia có thể dễ dàng diễn ra hơn nhiều so với trước đây.

Những điều kiện này có thể được châm ngòi trong các tình huống liên quan đến các cường quốc vũ trang hạt nhân.
Khu vực và thế giới chắc chắn đã trở nên an toàn hơn nhờ quyết định từ bỏ chương trình hạt nhân của Nam Phi hồi những năm 90 của thế kỷ trước. Hơn nữa, việc hủy bỏ các chương trình hạt nhân như vậy cũng đã cung cấp một khuôn mẫu để các cường quốc hạt nhân khác có thể nghĩ đến việc loại bỏ các chương trình hạt nhân của họ.

Tuy nhiên, không một quốc gia nào trở thành ví dụ minh họa rõ ràng như Nam Phi. Trước sự gia tăng căng thẳng toàn cầu rõ rệt trong vài năm qua, dường như không có quốc gia nào gia nhập câu lạc bộ hậu hạt nhân của Nam Phi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục