Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc có cơ chế hoạt động thế nào?

22:18' - 10/04/2018
BNEWS Buổi họp báo thường kỳ Quý I/2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ vào chiều 10/4 đã giải đáp vấn đề cơ chế chính sách hoạt động của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST).

Đây là một trong nội dung được đông đảo báo giới quan tâm.

Thông tin về vấn đề này, ông Bùi Thế Duy, Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Liên bộ Khoa học và Công nghệ và Tài Chính đã thống nhất có cơ chế đặc thù về lương cho các nhà nghiên cứu thuộc VKIST để thu hút những người giỏi nhất về làm việc.

Theo đó, tuy không có ngay cơ chế ngang bằng với các viện nghiên cứu trên thế giới, nhưng các chuyên gia VKIST được hưởng mức lương cao gấp khoảng hơn 2 lần so với quy định thông thường từ ngân sách nhà nước, tương đương với Viện nghiên cứu cao cấp về Toán.

Tại cuộc họp báo, nhiều ý kiến cho rằng phải mất 5 năm chuẩn bị, chưa kể thời gian khá dài "thai nghén" ý tưởng, đến cuối tháng 3/2018, VKIST mới được khởi công. Vậy, sau khi hết giai đoạn hỗ trợ ban đầu từ phía Hàn Quốc, Việt Nam sẽ duy trì VKIST thế nào?.

Điều này được Chánh Văn phòng Bùi Thế Duy cho rằng: Việt Nam đã trực tiếp mời được nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học công nghệ Hàn Quốc, Kum Donghwa làm Viện trưởng VKIST nhiệm kỳ từ nay đến năm 2022. Hiện, ông Kum Donghwa đã kết nối nhiều chuyên gia hàng đầu từ viện nghiên cứu Hàn Quốc và thế giới sang Việt Nam tập huấn cho cán bộ Bộ Khoa học và Công nghệ và những đơn vị liên quan.

Hy vọng sau khi kết thúc viện trợ từ phía Hàn Quốc, VKIST có thể chủ động nghiên cứu và tạo nguồn thu từ doanh nghiệp, đảm bảo thu nhập cho nhà khoa học làm việc tại đây.

NATIF có bị thu hồi vốn do tốc độ giải ngân quá chậm?

Cũng tại buổi họp báo, ông Lê Xuân Định, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, không có chuyện Nhà nước hay Bộ Tài chính thu hồi lại tiền Quỹ đổi mới Công nghệ Quốc gia (NATIF).

Năm 2015, NATIF ra mắt với tổng vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng để đầu tư cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Thời gian qua, Quỹ cũng ký hợp đồng khoảng 100 nhiệm vụ, tuy nhiên, tốc độ giải ngân rất chậm.

Theo Nghị định 95/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền han và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ, thay đổi mới nhất là ngoài hợp phần nghiên cứu phát triển (R&D) trước đây, hợp phần đổi mới sáng tạo (Inovation) đã được thêm vào. Việc đổi mới sáng tạo cần phải thông qua doanh nghiệp.

Để thực hiện điều này, một trong những công cụ tiên phong là Quỹ NATIF, Quỹ giúp đưa tri thức của nhà khoa học, thiết bị vào sản xuất, kinh doanh, ông Lê Xuân Định nhấn mạnh.

Theo thống kê, tính đến hết năm 2017, NATIF ký hợp đồng tài trợ cho 21 nhiệm vụ, với tổng kinh phí thực hiện là 774 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước là 221 tỷ đồng. Sau 3 năm triển khai, Quỹ tiếp nhận và xét chọn 85 nhiệm vụ, với đề xuất thực hiện khoảng 3.674 tỷ đồng, trong đó, dự kiến nguồn chi phí từ ngân sách khoảng 1.035 tỷ đồng

Ông Lê Xuân Định cũng thừa nhận, hiện NATIF mới thực hiện được 50% chức năng, chưa đạt như kỳ vọng do sự đổi mới đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ không chỉ riêng vai trò của NATIF. Một trở ngại thực tế khác, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, doanh nghiệp muốn đổi mới công nghệ cần thời gian càng sớm càng tốt, trong khi quy trình của NATIF phải mất hàng tháng đến vài năm mới được xét duyệt nên bị chậm.

Ông Lê Xuân Định cũng cho biết: Đối tượng của NATIF là doanh nghiệp, hoàn toàn khác đối tượng trước đây của các quỹ là tổ chức công lập, viện nghiên cứu, trường đại học. Do đó, để đảm bảo kinh phí Nhà nước không bị thất thoát và đến đúng địa chỉ, cùng với những yêu cầu và quy định hiện nay, thì không thể bỏ qua bất cứ thủ tục nào.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường công tác hậu kiểm theo hướng không một mình giám sát các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ, mà sau khi thẩm định về mặt đầu tư, kinh doanh các doanh nghiệp có khả thi, Quỹ sẽ phối hợp với ngân hàng đảm bảo phần hỗ trợ về công nghệ. Từ đó, sẽ giảm thời gian thẩm định, tăng cường hậu kiểm và đảm bảo kịp thời các phương án sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.

Tiếp tục các nhiệm vụ trọng tâm

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, trong Quý I, bên cạnh công tác xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ, Bộ đã tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như: Khởi động Đề án “Hệ tri thức Việt số hoá”; Ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2018-2025 với tỉnh Quảng Nam; Ngày hội đầu tư “Demo Day 2018”; lễ Khánh thành Trung tâm đào tạo cán bộ quản lý khoa học và công nghệ trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Lào và ký Biên bản bàn giao giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ Lào... Ngoài ra, ngày 19/3, tại Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã trả lời chất vấn về 4 nhóm vấn đề được quan tâm gồm: Hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội; công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ; ứng dụng khoa học và công nghệ thúc đẩy tăng năng suất lao động và ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Dự kiến trong Quý II, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung phối hợp tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5); Kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4; Lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương năm 2017; Ra mắt Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Hội nghị Giao ban Khoa học và Công nghệ vùng Trung du và Miền núi phía Bắc; Hội nghị Giao ban Khoa học và Công nghệ vùng Bắc Trung Bộ; Lễ trao Giải thưởng sáng kiến vì cộng đồng; Trao Giải thưởng báo chí về Khoa học và Công nghệ năm 2017; Trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục