Việt Nam chưa hình thành được công nghiệp hóa dược

12:38' - 17/03/2016
BNEWS Để có một công thức thuốc mới, cần có một đội ngũ chuyên gia với chuyên môn cao, thiết bị tiên tiến, hiện đại. Tuy nhiên, cả nguồn nhân lực, cơ sở vật chất nghiên cứu của nước ta còn nhiều hạn chế.
Việt Nam vẫn chưa thực sự hình thành được công nghiệp hóa dược. Ảnh: Mạnh Khánh - TTXVN

Việt Nam là một trong những quốc gia được thiên nhiên ưu đãi với nguồn dược liệu phong phú và đứng thứ 3 trên thế giới (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ).

Song, hiện có tới 90% nguyên liệu sản xuất dược phẩm tại Việt Nam đang phải nhập khẩu, thiếu sự chuẩn hóa và không được kiểm soát đầy đủ về chất lượng.

Chính vì vậy, việc phát triển công nghiệp sản xuất hóa dược gắn với các dược liệu ở Việt Nam được xem là hướng đi đúng đắn, phù hợp với nhu cầu, năng lực và nguồn lực của ngành.

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco Thạc sĩ Vũ Thị Thuận, để phát triển hóa dược và dược liệu, vấn đề mấu chốt phải là các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp sẽ là trung tâm trong mối liên kết 4 nhà; trong đó, các doanh nghiệp là cầu nối với các nhà khoa học để đưa ra những nghiên cứu có giá trị cao, hữu ích.

Các doanh nghiệp cũng sẽ đến với các địa phương, với người nông dân bằng sự tín nhiệm và bảo đảm bao tiêu dược liệu, hợp đồng với nông dân về sản xuất thu mua dược liệu dài hạn.

“Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hóa dược” đã triển khai được hơn 7 năm và có nhiều đóng góp cho việc nghiên cứu các đề tài, dự án; quy tụ được các đơn vị nghiên cứu, nhà sản xuất… tham gia thực hiện.

Nhiều sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm từ nguồn gốc thiên nhiên đã được đưa vào sản xuất dưới dạng thuốc hoặc thực phẩm chức năng phục vụ yêu cầu phòng chống bệnh của người dân. Nhưng cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa thực sự hình thành được ngành công nghiệp hóa dược.

Cục trưởng Cục Hóa chất Nguyễn Văn Thanh thừa nhận, đầu tư nguồn lực, nhân lực cho ngành hóa dược từ trước đến nay chưa được chú trọng đúng mức.

Để có một công thức thuốc mới, các quốc gia tiên tiến trên thế giới cần có một đội ngũ chuyên gia với chuyên môn cao, thiết bị tiên tiến, hiện đại. Tuy nhiên, do hạn chế về tài chính nên ở nước ta nguồn nhân lực và cơ sở vật chất nghiên cứu còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra, Việt Nam rất khó cạnh tranh với nước ngoài, đặc biệt là với Trung Quốc và Ấn Độ. Các nước đi trước trong ngành hóa dược đã sản xuất các sản phẩm với giá thành và chi phí thấp nên có giá cạnh tranh.

Vì thế, các doanh nghiệp sản xuất trong nước luôn có tâm lý sản xuất những mặt hàng thông thường, chi phí thấp, hiệu quả mang lại không cao, hơn là sản xuất các nguyên liệu hóa dược đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, công nghệ cao và thiết bị tiên tiến…

"Việt Nam chưa phát triển được ngành hóa dược bởi chưa có sự đầu tư cho vùng dược liệu một cách tập trung, năng suất cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất thuốc...

Chúng ta đang thiếu đi sự phối hợp đồng bộ, liên kết 4 nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý và nhà sản xuất” - ông Thanh cũng cho hay.

Theo ý kiến từ nhiều chuyên gia, ngành công nghiệp hóa dược trong nước vẫn chưa phát triển là do thiếu sự đồng bộ trong quy hoạch, chính sách, công nghiệp phụ trợ…

Vì vậy, đến nay, Việt Nam mới chỉ có một nhà máy sản xuất nguyên liệu kháng sinh bán tổng hợp của Mekophar, sản lượng chỉ khoảng 200 tấn Amoxicillin và 100 tấn Ampicillin mỗi năm, chỉ đủ cung ứng nhu cầu của doanh nghiệp trước áp lực cạnh tranh từ nguyên liệu giá rẻ của Trung Quốc và Ấn Độ.

Thêm nữa, doanh nghiệp hỗ trợ tư vấn cho người nông dân trồng dược liệu, hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật sản xuất tiên tiến cho các hộ dân để đảm bảo có nguồn dược liệu ổn định cả về số lượng và chất lượng.

Cùng với đó, người nông dân cũng phải chú trọng học hỏi và phát triển để có quy mô đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp. Đây là nhu cầu và cũng là xu hướng phát triển của các bên.

Thạc sĩ Vũ Thị Thuận cũng cho hay, trên hết, mối quan hệ “doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học” cần sự phối hợp của nhà quản lý ở chính sách thuế, đất đai hay xây dựng các chính sách ưu tiên làm cơ sở cho tổ chức nghiên cứu cũng như việc áp dụng kết quả nghiên cứu trong sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường.

Việt Nam có nguồn dược liệu phong phú song, hiện có tới 90% nguyên liệu sản xuất dược phẩm tại Việt Nam đang phải nhập khẩu. Ảnh: Mạnh Khánh-TTXVN

“Vì vậy, phát triển dược liệu ở Việt Nam cần sự chung tay, góp sức của cả 4 nhà; trong đó, doanh nghiệp là thành tố liên kết 4 nhà, tổ chức hoạt động và có khả năng ứng đối linh hoạt, nhạy bén nhất với thị trường, sẵn sàng hiện thực hóa các nghiên cứu trong thực tiễn cuộc sống. Chúng tôi đang thực hiện rất thành công mô hình liên kết này” - Thạc sĩ Thuận nói.

Ông Nguyễn Quý Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Dược Việt Nam cho rằng, để có được mối liên kết chặt chẽ này, thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia nhằm tạo ra được các sản phẩm có giá trị thực tiễn cao, chương trình hoá dược cũng cần tập trung đầu tư chiều sâu vào phòng thí nghiệm trọng điểm có trang  bị các dây chuyền nghiên cứu và sản xuất công nghiệp (chiết xuất, phản ứng …) để có điều kiện cho các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu.

Đây là điều kiện để các nhà khoa học tiếp tục các giai đoạn nghiên cứu tiếp sau thay vì dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm như hiện nay. Các trang thiết bị hiện đại để rút ngắn quá trình nghiên cứu nhằm theo kịp trình độ nghiên cứu hiện đại trên thế giới.

Ngoài ra, các chính sách ưu tiên phải nhất quán từ Trung ương tới các Bộ ngành, địa phương như ưu tiên về đất đai, vốn, thuế, thử nghiệm lầm sàng, đăng ký sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm…

Điều này đã khiến các doanh nghiệp quan ngại vì khi thực thi mỗi bộ, ngành áp dụng khác nhau nên rủi ro doanh nghiệp hứng chịu và làm nản lòng doanh nghiệp.../

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục