Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển ngân hàng số

15:26' - 01/12/2016
BNEWS Trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cũng như chủ trương và đề án thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, tiềm năng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam rất lớn.
Các chuyên gia trao đổi tại diễn đàn. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN.

Tại Diễn đàn Ngân hàng Bán lẻ Việt Nam 2016 (Vietnam Retail Banking Forum 2016), do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG ASEAN) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 1/12, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh và tăng nhận thức về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cũng như chủ trương và đề án thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, tiềm năng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam rất lớn.

Theo Tổ chức giám sát doanh nghiệp quốc tế BMI 2015, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng internet khá cao (9%/năm), xếp hạng 15 trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam đang là quốc gia có lợi thế về dân số trẻ so với khu vực, và có 52% dân số dùng internet.

Trong đó, tỷ lệ khách hàng của các hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam sử dụng dịch vụ ngân hàng số như mobile, internet banking... chiếm 44%.

Đánh giá tác động của xu thế ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV cho biết, ứng dụng công nghệ số trong vận hành ngân hàng số mang lahi cho khách hàng những trải nghiệm mới. Đồng thời, tạo ra kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ, môi trường cạnh tranh khác biệt so với hệ thống ngân hàng thương mại truyền thống.

Dự kiến, đến năm 2018, kinh doanh dùng công nghệ số sẽ đóng góp 44% doanh thu của các ngân hàng và Dữ liệu lớn (Big data), phân tích kinh doanh (Business analytics) sẽ giúp tạo nên sự khác biệt, nâng cao hiệu quả. Khách hàng của ngân hàng bán lẻ tương lai là những đối tương sinh ra và lớn lên trong thời đại phát triển công nghệ, có hiểu biết và muốn dùng công nghệ số.

Những khách hàng này cần giao dịch một cửa, cung cấp dịch vụ nhanh, đội ngũ nhân viên ngân hàng chuyên nghiệp...

Ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng Giám đốc, kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng công nghệ số, VIB cho rằng, xây dựng ngân hàng số cần thực hiện quy trình số hóa các điểm tiếp xúc khách hàng; tăng cường công nghệ số đối với sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu và tăng giá trị lâu dài cho khách hàng; tận dụng công số phát triển mảng kinh doanh mới.

Trong đó, thách thức chủ yếu khi triển ngân hàng số là thay đổi văn hóa kinh doanh, cân bằng giữa công nghệ thông tin và kinh doanh, kinh phí đầu tư, nền tảng công nghệ thông tin của doanh nghiệp và quốc gia.

Theo ông Sujeeth Samrat, Chuyên gia tư vấn cấp cao, các hệ thống ngân hàng cần giải bài toán làm sao để hấp dẫn khách hàng, cần đưa ra những sản phẩm, dịch vụ gì để đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt hơn.

Xu hướng khách hàng tìm kiếm và ứng dụng số hóa ở nhiều lĩnh vực ngành nghề, để hưởng lợi từ những sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng công thông tin đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Vấn đề quan trọng là các hệ thống ngân hàng cần tự định vị và chọn lựa chiến lược phát triển số hóa phù hợp với cấu trúc ngân hàng, công nghệ, dữ liệu và mô hình kinh doanh hiện tại. Ông Sujeeth Samrat cho hay, ngân hàng số không chỉ tạo ra những thuận lợi cho khách hàng trao đổi tài chính giữa các ngân hàng với nhau, mà còn ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác thông qua các giao dịch.

Trong đó, các hệ thống ngân hàng nên xúc tiến hợp tác với các nhà bán lẻ để mở rộng năng lực phục vụ nhu cầu tìm kiếm và ứng dụng số hóa của khách hàng, đảm bảo chất lượng mạng lưới, tính tiện lợi và an toàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục