Việt Nam đã làm chủ nhiều công nghệ giao thông hiện đại

14:46' - 14/08/2015
BNEWS Nhiều công trình cầu đường, hầm, đường sắt trên cao trước đây Việt Nam chưa dám nghĩ đến thì nay đã làm chủ. Việt Nam cũng đã tiếp cận được với công nghệ thế giới về thiết kế, thi công.

Nhiều dự án xây dựng công trình giao thông có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, kỹ thuật phức tạp nhất thế giới hiện nay đã được các kỹ sư, công nhân Việt Nam làm chủ... Đây là nhận định của nhiều đại biểu tham gia buổi gặp mặt hơn 100 cán bộ khoa học ngành giao thông vận tải qua các thời kỳ do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức ngày 14/8, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại buổi gặp mặt (Ảnh: Báo Giao Thông)

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, từ ngày thành lập đến nay đã tròn 70 năm, các thế hệ cán bộ, công chức, công nhân; trong đó có đội ngũ những người làm công tác khoa học công nghệ của ngành giao thông vận tải Việt Nam đã đi khắp mọi miền đất nước, xây lên những công trình giao thông hiện đại, mở ra nhiều tuyến đường mới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chia sẻ về những tiến bộ trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực giao thông vận tải, TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho biết, nếu trước kia chúng ta chỉ xây dựng được những cây cầu bê tông hoặc bê tông dự ứng lực có nhịp đơn giản, chiều dài tối đa là 33 m hoặc làm được kết cấu móng cọc, cọc bê tông cốt thép, cọc đóng có kích thước 40:40 cm, 45:45 cm, chiều sâu rất hạn chế, thi công rất khó khăn tại các địa tầng phức tạp.

Nay Việt Nam đã xây dựng được nhiều loại cầu khác nhau về mặt kết cấu. Đó là các cầu bê tông dự ứng lực có khẩu độ lớn, đến 150 m. Việt Nam đã tự thiết kế, xây dựng, thi công được những cây cầu dây văng khẩu độ rất lớn như cầu Rạch Miễu có chiều dài nhịp đến 270 m.

Theo ông Nguyễn Văn Nhân, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Giao thông Vận tải), nổi bật nhất trong thành tựu khoa học công nghệ thời gian qua là các lĩnh vực xây dựng công trình. Nhiều công trình cầu đường, hầm, đường sắt trên cao mà thời gian trước đây chúng ta chưa dám nghĩ đến thì nay đã làm chủ. Các công nghệ về thiết kế, thi công chúng ta cũng đã tiếp cận được với công nghệ thế giới. Kể cả trong lĩnh vực đóng tàu, dù kỹ thuật rất phức tạp nhưng chúng ta cũng đã tiếp cận được và đã đóng được tàu để xuất khẩu.

Hơn 100 cán bộ khoa học ngành giao thông vận tải qua các thời kỳ đã tham dự buổi gặp mặt

(Ảnh: Báo Giao Thông)

Nhiều công nghệ mới, hiện đại như Công nghệ xây dựng cầu đường xu hướng ngày càng hiện đại hơn (cầu dây văng, đường bộ cao tốc, cảng biển, sân bay…), công nghiệp đóng tàu, đầu máy, toa xe thế hệ mới, hệ thống ITS, công nghệ thông tin… đã được triển khai ứng dụng phục vụ đắc lực công tác quản lý Nhà nước, chỉ đạo, điều hành sản xuất của ngành mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

 Theo nhiều đại biểu, để thực hiện thành công nhiệm vụ chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong thời gian tới, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý chất lượng xây dựng, quản lý khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cần được đặc biệt quan tâm chú trọng hơn nữa./ .

Quang Toàn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục