Việt Nam - Nhật Bản trong xu thế hội nhập kinh tế ở Châu Á -Thái Bình Dương

16:14' - 27/10/2017
BNEWS GS. Toshiro Nashizawa, Trường chính sách công, Đại học Tokyo cho biết, Việt Nam có quá trình phát triển năng động, hướng tới phát triển kinh tế xã hội ổn định và bền vững.
Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong xu thế hội nhập kinh tế ở Châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Thuý Hiền/BNEWS/TTXVN

Sáng 27/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Trường chính sách công – Đại học Tokyo tổ chức Diễn đàn nghiên cứu về “Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong xu thế hội thế hội nhập kinh tế ở châu Á -Thái Bình Dương”.

Diễn đàn là cơ hội để trao đổi, thảo luận về bối cảnh, xu hướng hội nhập kinh tế ở châu Á -Thái Bình Dương và hàm ý đối với các nước định hướng xuất khẩu như: Việt Nam và Nhật Bản, các định hướng và sáng kiến mà Việt Nam và Nhật Bản có thể cùng thực hiện nhằm thúc đẩy và tận dụng lợi ích từ hội nhập kinh tế khu vực.

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, trong những năm qua, nhiều sáng kiến đã được đưa ra nhằm đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực châu Á- Thái Bình Dương, bao gồm hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp định thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP).

“Những sáng kiến này đã góp phần mang lại lợi ích cho Việt Nam và Nhật Bản cũng như các nền kinh tế thành viên, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng cường thương mại nội khối, tham gia và kết nối chặt chẽ hơn vào các mạng lưới sản xuất khu vực…

Bên cạnh đó, các sáng kiến hội nhập cũng đòi hỏi những tiêu chuẩn cao gắn với cải cách sâu rộng sau đường biên giới, qua đó tạo thêm động lực cho hoàn thiện thể chế kinh tế”, TS Cung khẳng định.

GS. Toshiro Nashizawa, Trường chính sách công, Đại học Tokyo cho biết, Việt Nam có quá trình phát triển năng động, hướng tới phát triển kinh tế xã hội ổn định và bền vững.

“Tôi tin tưởng một trong những động lực là sự chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thông qua thương mại và đầu tư nước ngoài và phát triển mạng lưới sản xuất. Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản sẽ góp phần giúp Việt Nam đang được nhiều thành tựu hơn nữa.

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ còn gặp phải những thách thức từ các yếu tố bất định trong nước và khu vực…”, GS. Toshiro Nashizawa nhấn mạnh.

Tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận những thay đổi đang diễn ra có thể ảnh hưởng tới tiến trình hội nhập khu vực nói chung và việc thực hiện hóa các sáng kiến hội nhập nói riêng, chẳng hạn như xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa, lo ngại về phân bổ lợi ích từ hội nhập kinh tế khu vực… đặc biệt là những bất định liên quan tới tiến trình đàm phán RCEP và vực dậy hiệp định TPP.

Bất chấp những bất định và thách thức của nền kinh tế, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định vai trò quan trọng của thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương hướng tới xây dựng một môi trường kinh doanh – đầu tư thân thiện, thiết lập các luật chơi chung, chống lại toàn cầu hóa.. và thúc đẩy phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Các định chế trung gian như TPP, RCEP… có thể cần được điều chỉnh, song vẫn sẽ là những bước đi không thể thiếu trong tiến trình thúc đẩy hội nhập kinh tế vì thịnh vượng chung ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Để tăng cường hội nhập châu kinh tế Á – Thái Bình Dương, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế của CIEM cho biết, Việt Nam cần một mô hình mới cho hội nhập thịnh vượng, tăng trưởng toàn diện và bền vững. Có thể bao gồm tự do hóa thương mại, đầu tư và dịch vụ nhằm tạo cơ hội kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh công bằng;

Hợp tác nhằm cải thiện năng lực thể chế và nhân lực để khai thác có hiệu quả các cơ hội mới, có khả năng chống chịu các cú sốc khác nhau và đối phó tốt hơn với cách mạng công nghệ 4.0; đồng thời, xây dựng thể chế khu vực phù hợp với cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả cũng như xử lý toàn diện các vấn đề phát triển.

Ông Shujiro Urata, cố vấn nghiên cứu cao cấp của Chủ tịch ERIA, Đại học Waseda cũng cho rằng, Việt Nam cần thiết lập một môi trường kinh doanh thân thiện, đặc biệt là xây dựng mạng lưới sản xuất khu vực; đồng thời, thiết lập một thị trường chung duy nhất thông qua việc áp dụng biện pháp cộng gộp trong xác định các quy tắc xuất xứ.

Cũng nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam và Nhật Bản cần chủ động phối hợp song phương và với các đối tác khác nhằm sớm thực hiện hóa các sáng kiến TPP và RCEP. Quá trình này cần củng cố thêm nữa sự ủng hộ từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân, gắn với giải pháp hữu hiệu giảm thiểu tác động bất lợi của hội nhập khu vực tới các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương…

Chính ở đây, hợp tác Việt Nam - Nhật Bản không chỉ dừng lại ở các chương trình hợp tác song phương, mà có thể tiến tới cùng đối thoại, cùng giải trình và thúc đẩy các sáng kiến hội nhập vì thịnh vượng chung ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trên cơ sở thảo luận tại diễn đàn, CIEM sẽ cân nhắc, hoàn thiện bản kiến nghị về Tiếp tục thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương gửi các cấp có thẩm quyền của hai nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục