Việt Nam và Hàn Quốc hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

16:11' - 10/05/2018
BNEWS Ngày 10/5, tại Tp. Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo “Nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ”.

Hội thảo do Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) phối hợp với Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (Kotra) tổ chức.

Đây là chương trình nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc, đồng thời trao đổi về các giải pháp phòng chống hàng giả, hàng nhái.

Lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ảnh minh họa: TTXVN

Tại hội thảo, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết, vấn đề sở hữu trí tuệ là lĩnh vực được họ quan tâm và thực hiện ngay từ khi đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là những doanh nghiệp phụ trợ, gia công, tận dụng ưu thế lao động giá rẻ tại Việt Nam để sản xuất thì chưa chú trọng nhiều tới sở hữu trí tuệ.

Theo bà Jaeheon Lee, Trung tâm nghiên cứu Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KISTA), thống kê thực tế cho thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc bị vi phạm về sở hữu trí tuệ, làm nhái hàng hóa, sản phẩm và thương hiệu tại thị trường Việt Nam; trong đó, tập trung chủ yếu ở các sản phẩm như mỹ phẩm, dược phẩm, và các hàng hóa tiêu dùng...

Còn kết quả khảo sát đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy, chỉ khoảng 38% số doanh nghiệp của Hàn Quốc có điều kiện thuận lợi để đăng ký về sở hữu trí tuệ.

Hiện nay, hệ thống cơ sở pháp lý về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đã khá hoàn thiện với Luật sở hữu trí tuệ, Bộ Luật dân sự, Bộ Luật tố tụng dân sự, Luật Cạnh tranh… nhưng các chế tài xử lý vi phạm hành chính lại được quy định ở các văn bản dưới Luật, ở cấp Nghị định…

Điều này dẫn đến sự chồng chéo gây khó cho cả doanh nghiệp và đơn vị thực thi pháp luật và chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều doanh nghiệp bị vi phạm sở hữu trí tuệ hay làm giả sản phẩm, thương hiệu.

Liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong quản lý thị trường, ông Trần Hùng Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường nhấn mạnh, thực thi quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa ngày càng quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, đặc biệt trong quá trình hội nhập thị trường thương mại tự do.

Trong xu hướng đó, Việt Nam luôn coi trọng việc bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy công tác chống hàng giả, thực thi quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng cơ quan quản lý Việt Nam cũng xác định hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng nhái, hàng giả chính là đang phá hoại nền kinh tế, làm xấu môi trường đầu tư.

Do đó, lực lượng quản lý thị trường Việt Nam luôn cam kết xử lý nghiêm những vụ việc vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc - ông Trần Hùng cho biết.

Còn ông Võ Xuân Bính, Phó trưởng phòng Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường khuyến nghị, các doanh nghiệp Hàn Quốc cần tăng cường công tác nghiên cứu, khảo sát thực trạng của hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để hiểu rõ hơn về các hành vi của thị trường.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đưa ra giải pháp phối hợp chặt chẽ cũng như đẩy mạnh sự hợp tác công - tư trong việc chia sẻ thông tin, nhận diện hàng thật - hàng giả giữa các bên.

Riêng về phía cơ quan quản lý Việt Nam, ông Võ Xuân Bính cho hay, phải tích cực đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, hàng nhái...

Sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý với các công ty nước ngoài tại Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng quản lý thị trường./.

Xem thêm:

>>>Còn nhiều mối lo về thực thi quyền sở hữu trí tuệ

>>>Hạt điều Bình Phước được chứng nhận chỉ dẫn địa lý

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục