Vietnam Airlines về đích cổ phần hóa

11:04' - 27/01/2017
BNEWS Vietnam Airlines đã chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch UPCoM, đặt dấu mốc hoàn thành chặng đường lần đầu tiên cổ phần hóa một doanh nghiệp hàng không tại Việt Nam.

Với việc chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch UPCoM trong phiên giao dịch đầu năm mới 2017, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã tạo ra một diện mạo mới.

Vietnam Airlines được SkyTrax xếp hạng đạt tiêu chuẩn 4 sao. Ảnh: Vietnam Airlines
 Lần đầu cổ phần hóa hãng hàng không

Chủ trương cổ phần hóa Vietnam Airlines bắt đầu từ năm 2008, sau khi được sự đồng ý bằng văn bản của Chính phủ. Tuy nhiên, phải tới năm 2012 khi Bộ Giao thông vận tải tiến hành kiện toàn Ban chỉ đạo Cổ phần hóa Tổng công ty và một số tồn tại được Chính phủ tháo gỡ, công tác cổ phần hóa mới thực sự được khởi động.

Tại thời điểm đó, việc cổ phần hóa một hãng hàng không là việc chưa có tại Việt Nam, với những đặc thù mà các văn bản và nghị định hướng dẫn của Chính phủ chưa bao trùm hết, dẫn đến việc triển khai gặp nhiều khó khăn.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Ngọc Minh, lúc bấy giờ là Tổng giám đốc của Vietnam Airlines, đã từng phải thốt lên: “Việc định giá một hãng hàng không chưa có tiền lệ ở Việt Nam nên có nhiều đặc thù mà áp dụng theo các quy định của Nhà nước là không thực hiện được”.

Một trong những khó khăn lớn nhất được xác định là việc định giá doanh nghiệp. Do ngành hàng không có các tài sản đặc thù như: máy bay, động cơ, vật tư phụ tùng… rất khó để xác định giá trị khi chưa có tiền lệ tại Việt Nam trước đó.

Trước yêu cầu của Thủ tướng là phải hoàn tất việc cổ phần hóa trong năm 2014, nếu không sẽ điều chuyển công tác của các lãnh đạo tại đây, đã khiến chính các nhà cầm quân của Vietnam Airlines không ít lần “than khó”.

Những công việc như: đối chiếu, xác nhận công nợ, xử lý đất đai, tiến hành thoái vốn doanh nghiệp cũng là những rào cản lớn mà doanh nghiệp đã phải nỗ lực để hoàn thành. 

Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương, ông Phạm Viết Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng không Việt Nam) chia sẻ: “Khối lượng công việc triển khai trong suốt thời gian qua là rất lớn, nếu không có sự quyết liệt thì không làm nổi. Nhiều ban, nhiều bộ phận có lúc đã làm việc tới 200% công suất”.

Trải qua những khó khăn ban đầu, cùng với sự đồng tâm và các quyết sách đúng đắn từ phía ban lãnh đạo, tháng 11/2014, Vietnam Airlines đã chính thức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với tổng số 62.226.840 cổ phần, thu về số tiền hơn 1.292 tỷ đồng, tỷ lệ thành công gần như 100% số lượng cổ phiếu phát hành.

Đến 1/4/2015, Vietnam Airlines chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động từ Tổng công ty sang Công ty cổ phần và sau 1 năm rưỡi kể từ ngày IPO, Vietnam Airlines tuyên bố hoàn thành việc bán 8,771% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược, Tập đoàn ANA Holdings của Nhật Bản.

Ngày 3/1/2017, hơn 1.227 triệu cổ phiếu của Vietnam Airlines đã chính thức lên sàn UPCoM với mã giao dịch HVN.

Thành công sau cổ phần hóa

Tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2016, Vietnam Airlines và các công ty thành viên ước đạt trên 76.000 tỷ đồng tổng doanh thu hợp nhất, tăng hơn 10% và lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt gần 2.500 tỷ đồng, tăng 140% so với năm trước và vượt 7% kế hoạch năm. 

Trong đó, Vietnam Airlines ước đạt gần 59.100 tỷ đồng tổng doanh thu và gần 1.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 5,6 lần so với năm 2015. Nộp ngân sách nhà nước gần 4.900 tỷ đồng, tăng gần 11% so với năm trước. 

Về hoạt động bay, trong năm vừa qua, Vietnam Airlines đã tiếp nhận và đưa vào khai thác 10 tàu bay Boeing 787-9 Dreamliners và 6 tàu bay Airbus A350-900 XWB. Các dòng tàu bay mới được Hãng đưa vào khai thác nhằm đáp ứng chất lượng dịch vụ trên đường bay nội địa trọng điểm và đường bay dài.

Sau năm đầu tiên, Vietnam Airlines được đánh giá là một trong những hãng khai thác thành công nhất đội tàu bay thế hệ mới. 

Về chất lượng dịch vụ, Vietnam Airlines chính thức được Tổ chức đánh giá hàng không thế giới Skytrax công nhận là hãng hàng không đạt tiêu chuẩn 4 sao, sánh ngang với các hãng hàng không danh giá khác trên thế giới như Air France (Pháp), Emirates (UAE), Japan Airlines (Nhật Bản), Korean Air (Hàn Quốc), Lufthansa (Đức)…

Và để kết thúc cho chuỗi chương trình nâng cấp chất lượng, nâng cấp bộ nhận diện thương hiệu mới, Vietnam Airlines cũng đã chính thức ra mắt phòng khách Bông Sen tại Nhà ga nội địa, Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài.

Phòng khách này có tiêu chuẩn tương đương 5 sao, được đánh giá là phòng khách sân bay lớn nhất Việt Nam, đứng thứ hai trong hệ thống phòng khách hạng sang của SkyTeam trên toàn cầu (sau phòng khách của sân bay Heathrow tại Anh). 

Mặc dù liên tục mở rộng phạm vi hoạt động và tăng cường chất lượng dịch vụ nhưng bộ máy hoạt động của Tổng công ty lại thu hẹp đi đáng kể sau cổ phần hóa. Quá trình tinh giảm bộ máy trong khi vẫn phải đảm bảo tốt các mục tiêu phát triển đã trở thành bài toán khó đối với đội ngũ lãnh đạo của Tổng công ty.

Phát biểu tại buổi lễ chuyển đổi mô hình Tổng công ty sang Công ty cổ phần trong tháng 10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật khẳng định: “Đây là bước ngoặt của Vietnam Airlines.

Tổng công ty Hàng Không Việt Nam vừa cổ phần hoá thành công nhưng đã kêu gọi được các cổ đông chiến lược, đặc biệt là tập đoàn ANA một trong những tập đoàn lớn trong ngành hàng không Nhật Bản cũng như trên thế giới”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cắt băng khai trương đường bay của Vietnam Airlines tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi- Hải Phòng ngày 12/5/2016. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Đích phát triển tiếp theo

Sau nỗ lực hoàn thành cổ phần hóa và chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hình thức công ty cổ phần, Vietnam Airlines đang hướng tới những mục tiêu tiếp theo trong giai đoạn 5 năm tới đây.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành nhìn nhận, mặc dù đã cổ phần hóa thành công, nhưng vẫn còn nhiều công việc trước mắt cần phải giải quyết.

Thị trường hàng không Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, kéo theo đó là sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không cũng trở nên gay gắt hơn.

Là một doanh nghiệp Nhà nước và là hãng hàng không quốc gia Việt Nam, bên cạnh việc đảm bảo hoạt động kinh doanh thương mại, Vietnam Airlines vẫn phải đảm bảo các công tác phục vụ chính trị và xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng. 

Bên cạnh đó, việc theo đuổi mục tiêu mở những đường bay dài, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ, cũng đòi hỏi Vietnam Airlines phải tập trung hơn nữa phát triển đội tàu bay thân rộng, bố trí lực lượng và kỹ thuật phù hợp theo tiêu chuẩn của hàng không Hoa Kỳ. 

Để làm được điều này, ngay trong năm 2017, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh; phục vụ tốt giai đoạn cao điểm cuối năm.

Tổng Công ty thực hiện mục tiêu đơn giản hóa về cấu trúc và số lượng chủng loại tàu bay theo kế hoạch đã được phê duyệt; duy trì mục tiêu chất lượng 4 sao, đạt trên 90% tiêu chí 4-5 sao theo đánh giá của Skytrax.

Tổng Công ty cũng phối hợp chặt chẽ về sản phẩm, nguồn lực, thương hiệu với Jetstar Pacific, Cambodia Angkor Air, VASCO để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục