Vinatea sẽ tiến hành IPO vào ngày 16/9 tại HNX

14:13' - 08/09/2015
BNEWS Ngày 16/9 tới, Tổng Công ty Chè Việt Nam sẽ bán toàn bộ phần vốn Nhà nước hiện có tại HNX, đồng thời phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Một vùng nguyên liệu trồng chè của VINATEA. Ảnh: HNX

Ngày 16/9 tới, Tổng Công ty Chè Việt Nam – Công ty TNHH MTV (VINATEA) sẽ tiến hành cổ phần hóa bán toàn bộ phần vốn Nhà nước hiện có và kết hợp phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. VINATEA dự kiến chào bán gần 11,8 triệu cổ phần ra công chúng tại Sở GDCK Hà Nội, tương đương 31,8% vốn điều lệ.

Là doanh nghiệp có quy mô và địa bàn hoạt động lớn nhất của ngành chè Việt Nam với vùng nguyên liệu rộng hơn 1.130 ha chủ yếu tại 3 tỉnh Sơn La, Yên Bái và Thái Nguyên. VINATEA đang quản lý 7 chi nhánh và sở hữu 3 công ty con chuyên sản xuất chè, các nhà máy chế biến cùng hệ thống phụ trợ phục vụ sản xuất kinh doanh hiện đại. Nhiều mặt hàng đã tạo nên thành công cho VINATEA như: Trà Ô Long, Trà Tân Cương, Trà Thái – Long Đình, Chè Sen, Chè Nhài,...

Trong cơ cấu sản lượng chè tiêu thụ hàng năm, sản lượng chè xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế luôn chiếm tỷ trọng 70% - 80%, trong đó, thị trường lớn nhất thuộc khu vực Trung Đông như Afghanistan, Pakistan, hàng năm tiêu thụ khoảng 2.000 tấn chè xanh của Mộc Châu, Thái Nguyên, Yên Bái.

Ngoài ra, Tổng Công ty đã xuất khẩu khoảng 1.000 tấn chè đen và chè xanh cao cấp vào thị trường Đức và châu Âu nói chung hàng năm, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường khó tính nhất thế giới. Tại thị trường chè Nga - một trong những thị trường nhập khẩu và tiêu thụ chè lớn nhất thế giới, VINATEA cũng xuất khẩu sản phẩm với sản lượng khoảng 1.000 tấn chè/năm.

Song song với các thị trường trọng điểm, VINATEA đang tập trung tìm kiếm giải pháp phát triển các thị trường tiềm năng khác như Uzbekistan, Kazakstan (Trung Á); Đài Loan; Trung Quốc; Thổ Nhĩ Kỳ; Mỹ và Bắc Mỹ.

Chiếm tỷ trọng từ 20% – 30% trong tổng sản lượng chè là chè tiêu thụ nội địa với các loại chè bán cho doanh nghiệp để xuất khẩu và chè bán trực tiếp trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tổng sản lượng tiêu thụ các loại chè của VINATEA 3 năm trở lại đây có xu hướng giảm từ 6.624 tấn (năm 2012) xuống 5.090 tấn (2013) và 4.734 tấn (2014).

Ngoài hoạt động kinh doanh chính là chế biến và kinh doanh chè, VINATEA còn tạo ra doanh thu từ hoạt động cho thuê văn phòng tại 2 cơ sở 92 Võ Thị Sáu và 49 Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Từ năm 2012 đến 2014, tổng doanh thu của VINATEA lần lượt đạt 290,1 tỷ đồng; 269,9 tỷ đồng và 246 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tương ứng 1,2 tỷ đồng; 987 triệu đồng và 1,1 tỷ đồng.

Tổng Công ty dự kiến doanh thu trong 3 năm 2015 – 2017 lần lượt đạt 241 tỷ đồng; 255,8 tỷ đồng và 279,6 tỷ đồng. Tỷ lệ trả cổ tức lần lượt là 1,4%; 2,2% và 2,5%. Để thực hiện được mục tiêu trên, VINATEA định hướng sẽ từng bước trồng mới các giống chè mới có năng suất và chất lượng cao trên diện rộng, đưa năng suất chè bình quân từ 9 tấn/ha hiện nay lên 11 tấn/ha vào năm 2017, nâng sản lượng chè búp tươi từ 17.600 tấn lên 21.600 tấn vào năm 2017, thay thế dần các giống chè trung du đã già cỗi.

Tại thời điểm ngày 31/12/2013, tổng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 317 tỷ đồng. VINATEA dự kiến vốn điều lệ sau cổ phần hóa là 370 tỷ đồng. Theo phương án cổ phần hóa, Nhà nước sẽ thoái hết vốn tại Tổng Công ty, hơn 23,5 triệu cổ phần sẽ được phân phối cho nhà đầu tư chiến lược; 1,6 triệu cổ phần dành cho người lao động. Trong phiên IPO tới, VINATEA sẽ bán đấu giá công khai gần 11,8 triệu cổ phần với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần./.

Đức Duy

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục