Vinh quang Nhà giáo Việt Nam

07:16' - 16/11/2017
BNEWS Cách đây 35 năm, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 167/HĐBT ngày 28-9-1982 lấy ngày 20-11 hằng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam.

Việc lựa chọn ngày 20-11 hằng năm là ngày tôn vinh các thầy giáo, cô giáo đã thể hiện sự quan tâm to lớn và sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với đội ngũ nhà giáo nói riêng và ngành giáo dục nói chung.

Việc lựa chọn này là sự kế thừa và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo và đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, bởi đất nước ta là đất nước ngàn năm văn hiến và nhân dân ta có truyền thống hiếu học, coi trọng sự học. “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy” - đó là đạo lý, là triết lý sống của dân tộc Việt Nam từ nhiều đời nay.

Trong lịch sử Việt Nam đã có nhiều nhà giáo nổi tiếng đức độ, tài giỏi tên tuổi được lưu truyền mãi mãi như Chu Văn An (1292-1370) - là biểu tượng của nhân cách làm thầy và cũng là người đã dâng “Thất trảm sớ” xin vua chém lũ gian thần rồi cáo quan về quê sống cuộc đời thanh bạch.

Đó là cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), người vừa dạy học vừa bốc thuốc chữa bệnh cho dân, đồng thời cũng là nhà thơ lớn - tác giả của nhiều bài thơ, áng văn bất hủ tràn đầy nhiệt huyết và thấm đẫm tấm lòng yêu nước thương dân.

Đó là các bậc thầy cao quý như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Lân.... Những người thầy như vậy và biết bao người thầy khác đã mang lại vinh quang cho đất nước và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Bác Hồ về thăm và nói chuyện với giáo viên, học sinh các trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng. Nguồn: Báo Ấp Bắc

Đặc biệt, người thầy được tôn vinh bởi đội ngũ người thầy có ảnh hưởng to lớn đến sự tồn vong, phát triển của đất nước. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”.

Người thầy là chủ thể có vai trò quyết định trong việc giáo dục lớp lớp thế hệ người Việt Nam, trong việc đào tạo nguồn nhân lực làm lực lượng và động lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong thời kỳ phong kiến ở nước ta, với sự truyền dạy, đào tạo của các bậc thầy Nho học, nền giáo dục Nho học Việt Nam đã có 2.898 vị đỗ đại khoa. Đây là nguồn nhân lực tinh hoa của đất nước. Các vị đỗ đại khoa này và những người có học khác đã góp phần quan trọng vào công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Trong những cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, lớp lớp thầy giáo trẻ theo tiếng gọi của lý tưởng cách mạng cao đẹp đã ra trận, cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cùng các thế hệ cha anh viết nên bản hùng ca bất tử, khắc ghi tên mình vào trang sử vẻ vang của dân tộc.

Ở lại hậu phương, các thế hệ người thầy tiếp tục truyền lửa đến học trò, để rồi từ bục giảng, chính các thầy cô lại khơi dậy lòng yêu nước, chí căm thù giặc, nuôi dưỡng lý tưởng sống cao đẹp cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên.

Đất nước hòa bình, thống nhất, vượt lên bao vất vả, lo toan của cuộc sống thường nhật, hình ảnh người thầy vẫn hiện lên sáng ngời, kiên trì thắp lửa, truyền đạt tri thức, sưởi ấm tâm hồn thế hệ tương lai với nghĩa cử cao đẹp “tất cả vì học sinh thân yêu”.

Nhiều thầy, cô giáo đã không quản ngại nắng mưa, tình nguyện “cõng chữ lên non”, mang ánh sáng của con chữ đến với học sinh và kiến thức xây dựng kinh tế đến đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giúp họ vượt lên rào cản hủ tục, thoát khỏi cái nghèo, cái đói.

Khi cả nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Đảng ta coi giáo dục là “Quốc sách hàng đầu” vì vậy, vị trí, vai trò, trọng trách của người thầy càng hết sức quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước cũng như hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Sứ mệnh của người thầy hôm nay vừa đảm đương trọng trách đào tạo ra nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững vừa góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành nhân cách con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có tinh thần tự hào với truyền thống văn hoá, lịch sử ngàn năm của dân tộc.

Dù rằng ở đâu đó trong đội ngũ nhà giáo hiện nay vẫn còn có người chưa gương mẫu, chưa xứng đáng với danh hiệu Nhà giáo Việt Nam, nhưng không thể vì những hiện tượng cá biệt này mà phủ nhận hàng triệu nhà giáo đang tâm huyết hằng ngày, hằng đêm miệt mài trên giảng đường, bên trang giáo án cống hiến tâm lực của đời mình cho sự nghiệp đổi mới và phát triển nền giáo dục nước nhà.

Được sự quan tâm, hỗ trợ to lớn của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, với sự nỗ lực của mỗi thầy giáo, cô giáo, nhất định đội ngũ nhà giáo Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh và vượt qua mọi khó khăn thách thức để hoàn thành sứ mệnh trồng người cao cả./.

>>> Ký ức về những người thầy tiêu biểu của nền giáo dục Việt Nam (Phần 1)

>>> Những món quà ý nghĩa tặng thầy cô dịp 20/11

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục