Vốn cho nông nghiệp: Nắn dòng nhưng khó khơi thông

07:16' - 07/12/2016
BNEWS Dù đã có nhiều ưu tiên nhưng tiếp cận vốn ngân hàng trong nông nghiệp hiện nay vẫn là vấn đề còn nhiều vướng mắc.

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo ngành ngân hàng ưu tiên tập trung vốn cho nông nghiệp và thực tế các chính sách tín dụng đã có tác động mạnh mẽ trong việc khơi thông nguồn vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển. Song để tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công, cần có nguồn lực lớn; trong đó vốn tín dụng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. 

Hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu đãi

Ông Trần Văn Tần, Trưởng phòng Tín dụng Nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước xác định nông nghiệp nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn và đã ban hành, triển khai nhiều cơ chế chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này.

Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ - CP (Nghị định 55) về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thay thế Nghị định 41/2010/NĐ - CP (Nghị định 41) với nhiều điểm nổi bật như: mở rộng đối tượng vay vốn; nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên gấp từ 1,5 đến 2 lần so với quy định tại Nghị định 41. 

Hiện nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1-2%/năm đối với mức lãi suất của lĩnh vực sản xuất thông thường. Ảnh minh họa: TTXVN

Để khuyến khích việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Nghị định 55 đã đưa ra chính sách hỗ trợ đối với việc liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã làm đầu mối trong liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được các tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản lên tới 70-80% giá trị của phương án, dự án.

Có thể khẳng định, đầu tư khoa học, công nghệ và tham gia chuỗi liên kết giá trị là cơ sở cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp nói chung và thu nhập của các hộ gia đình ở nông thôn nói riêng.

Thời gian qua, ngành ngân hàng cũng đã có những bước cải thiện đáng kể trong các thủ tục tiếp cận nguồn vốn và đã triển khai nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn về tín dụng và lãi suất cho doanh nghiệp. Hiện nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1-2%/năm đối với mức lãi suất của lĩnh vực sản xuất thông thường.

Những quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để cấp tín dụng cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng dần tháo gỡ, giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong tiếp cận với ngân hàng. 

Giữ vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp nông thôn (Agribank) hiện là ngân hàng thương mại có hơn 50% dư nợ tín dụng đầu tư cho lĩnh vực này.

Đến nay, có hàng chục triệu hộ sản xuất trên cả nước được hưởng lợi từ nguồn vốn vay này. Agribank đang triển khai 7 chính sách tín dụng và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Tính đến ngày 30/9, tổng dư nợ cấp tín dụng và đầu tư của Agribank đạt 743.580 tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 685.829 tỷ đồng; dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của Agribank đạt 473.222 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng 69% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. 

Cần cơ chế mạnh hơn 

Dù đã có nhiều ưu tiên nhưng tiếp cận vốn ngân hàng trong nông nghiệp hiện nay vẫn là vấn đề còn nhiều vướng mắc. Nhiều nông dân vẫn chưa tiếp cận được tín dụng, nguyên nhân chính được cho là do thủ tục rườm rà, các ngân hàng khi cho vay đòi hỏi phải có tài sản đảm bảo thế chấp. 

Trong khi đó, các ngân hàng thì cho rằng cho vay lĩnh vực nông nghiệp rủi ro cao nên người dân phải có phương án kinh doanh, mở rộng sản xuất kinh doanh khả thi. Ngoài ra, ngân hàng lo ngại tình trạng người dân vay vốn để đầu tư thiết bị, nhưng lại để mua xe máy hoặc thiết bị gia dụng khác. Thực tế này đòi hỏi một cơ chế, chính sách mạnh hơn nữa để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Lãnh đạo Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, sau thời gian dài được đầu tư phát triển, đến nay chỉ có hơn 60% nguồn lực xã hội dành cho nông nghiệp. Đặc biệt, hiện chỉ khoảng 1% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hơn 80% nông dân có diện tích đất dưới 1ha và số doanh nghiệp vốn hóa trên thị trường chứng khoán mới chiếm hơn 3%... 

Những con số trên cho thấy lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa hấp dẫn các doanh nghiệp và nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là các chính sách để phục vụ cho việc phát triển sản xuất lớn bao gồm đất đai, vốn... vẫn chưa được tháo gỡ. Trong khi đó, quản lý nhà nước về thị trường, dịch bệnh... chưa hoàn chỉnh và lắm rủi ro.

Ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam. Ảnh: Trần Trung/BNEWS/TTXVN

Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam nhìn nhận, thực tế cho thấy chính sách tín dụng cần phải đáp ứng hơn nữa nhu cầu vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Quy mô nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn thấp so với nhu cầu.

Ông Phạm Thanh Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty TNHH Ba Huân Hà Nội cho hay, trong vấn đề tạo nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp cần ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp sạch, sản xuất sạch. Thực tế đã cho thấy nhiều người muốn sản xuất sạch nhưng phải dừng bước vì nằm ngoài tầm với khi phải đầu tư thiết bị, nguồn nguyên liệu...

Từ thực tế hoạt động của mình, để tháo gỡ nút thắt cho tín dụng nông nghiệp, nông thôn, lãnh đạo Agribank kiến nghị, chính sách cần bám sát, phù hợp với thực tiễn, cần tách bạch rõ ràng giữa tín dụng chính sách với tín dụng thương mại.

Cùng với đó là tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tham gia hoặc thực hiện chính sách cho vay nông nghiệp, nông thôn được nâng cao năng lực tài chính thông qua bổ sung vốn điều lệ.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục vay vốn của khách hàng, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các khoản vay cho nông nghiệp, nông thôn đảm bảo đúng mục đích, an toàn hiệu quả.

Ngân hàng Nhà nước, Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội đã ký kết những chương trình phối hợp để đưa đồng vốn đến với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng như đối với người nông dân trên cả nước một cách hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã xây dựng chính sách tín dụng đặc thù với các doanh nghiệp, hợp tác xã, thực hiện liên kết hoặc có các dự án công nghệ cao trong nông nghiệp theo Nghị định 55 để hỗ trợ các doanh nghiệp với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp.

>>> Cần giải pháp căn cơ và hiệu quả hơn nữa để thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục