Vốn đầu tư cho ngành điện - Bài 2: Khó cả trong lẫn ngoài

17:52' - 06/08/2016
BNEWS Hiện nay nền kinh tế của Việt Nam vay vốn rất nhiều, nợ lớn, vì thế việc huy động được vốn “khủng” cho các dự án điện là rất khó.
Đấu nối vị trí cột số 1 tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân. Ảnh: TTXVN

Hiện nay, ngoài EVN giữ vai trò chủ đạo trong sản xuất điện, còn có các doanh nghiệp khác tham gia vào quá trình này như Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) và một số đơn vị như Tổng công ty Sông Đà, Tổng Công ty Lilama… cũng tham gia đầu tư các loại hình thủy điện, nhiệt điện, điện tái tạo...

Tuy nhiên, vốn tự có của các nhà sản xuất điện xuất phát từ lãi hàng năm và khấu hao tài sản, con số này lại quá nhỏ so với tổng nguồn vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng của một dự án điện.

Ông Nguyễn Minh Duệ, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng Việt Nam cho hay, theo Quy hoạch điện 7, mỗi năm Việt Nam phải đầu tư hàng tỷ USD/năm.

Nhưng hiện nay nền kinh tế của Việt Nam vay vốn rất nhiều, nợ lớn, vì thế việc huy động được vốn “khủng” cho các dự án điện là rất khó.

Theo ông Trần Đình Long, để tạo nguồn vốn cho sản xuất điện, cần phải cổ phần hóa nhanh các công ty phát điện, đồng thời thu hút đầu tư của các thành phần khác ngoài EVN.

Trên thực tế, để đạt được mục tiêu của Quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh, Chính phủ đã đặt ra một số giải pháp như đẩy mạnh cổ phần hóa các tổng công ty, công ty phát điện thuộc EVN, PVN và TKV.

Từng bước tăng khả năng huy động tài chính nội bộ trong các doanh nghiệp ngành điện thông qua một loạt các giải pháp.

Cụ thể như nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động của các doanh nghiệp ngành điện, bảo đảm có tích luỹ cũng như tỷ lệ vốn tự có cho đầu tư phát triển theo yêu cầu của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế, tiến tới nguồn huy động vốn chính cho các công trình điện là vốn tự tích luỹ của các doanh nghiệp…

Bên cạnh đó Chính phủ cũng tính tới phương án tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu trong và ngoài nước để đầu tư các công trình điện.

Trong giai đoạn đầu, Nhà nước bảo lãnh phát hành trái phiếu cho các dự án điện trọng điểm, cấp bách.

Cùng bàn về vấn đề này, ông Trần Viết Ngãi cho rằng về lâu dài, một trong những biện pháp Việt Nam cần lưu ý là vừa phát triển vừa tiết kiệm bằng đổi mới công nghệ.

Hiện trong ngành điện, do công nghệ, thiết bị còn lạc hậu nên dẫn đến tỷ lệ điện năng tiêu hao vẫn cao. "Nếu tiết kiệm điện thì đầu tư sẽ nhẹ đi, lãng phí từng nào thì gánh nặng càng lớn từng đó" - ông Ngãi cho biết.

Ngoài ra, Chính phủ cần hỗ trợ cho EVN và một số nhà đầu tư khác được vay vốn ODA với lãi suất thấp và bảo lãnh vay vốn các ngân hàng quốc tế như WB, ADB và các tổ chức tín dụng khác...

Chính phủ hỗ trợ huy động các nguồn vốn từ phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và các nguồn vốn khác.

Đặc biệt ưu tiên đủ vốn cho các dự án cấp bách về nguồn và lưới điện để EVN, PVN, TKV có đủ vốn đảm bảo tiến độ cũng như xây dựng các dự án mới từ nay đến năm 2020...; đồng thời các ngân hàng có thể cho vay tái cấp vốn với thời gian dài, lãi suất hợp lý hơn..., Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị./.

>>> Vốn đầu tư cho ngành điện - Bài 1: Vẫn trông chờ vào nguồn vốn vay

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục