Vốn "rót" cho nông nghiệp hữu cơ ngày một nhiều lên

07:16' - 27/09/2016
BNEWS Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng các sản phẩm hữu cơ tiếp tục tăng cao, làn sóng các nhà sản xuất bước vào thị trường hữu cơ sẽ ngày một nhiều.
Nông nghiệp hữu cơ phụ thuộc chủ yếu vào cân bằng hệ sinh thái. Ảnh: reuters

Thực phẩm hữu cơ (organic food) là sản phẩm của phương cách canh tác nông nghiệp hữu cơ, một loại hình sản xuất không sử dụng bất cứ hoá chất độc hại nào với mục tiêu duy trì hệ sinh thái cây trồng, nâng cao sự màu mỡ của đất và bảo vệ sức khỏe con người.

Nông nghiệp hữu cơ phụ thuộc chủ yếu vào cân bằng hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học và khả năng thích nghi với các điều kiện tự nhiên mà không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật hay các loại phân hóa học.

Lần đầu tiên xuất hiện tại Mỹ vào cuối những năm 1940, nông nghiệp sạch phát triển mạnh dần. Từ buổi sơ khai với những mảnh vườn thực nghiệm nhỏ, đến năm 2015, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ghi nhận khoảng 19.474 trang trại và cơ sở chế biến hữu cơ, tăng 250% so với năm 2002 (theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Nhận định về các con số này, Bộ trưởng USDA Tom Vilsack cho hay trong bối cảnh nhu cầu sử dụng các sản phẩm hữu cơ tiếp tục tăng cao, làn sóng các nhà sản xuất bước vào thị trường hữu cơ sẽ ngày một nhiều.

Tổ chức từ thiện The Soil Association (Vương quốc Anh) hồi tháng 2/2016 đã công bố báo cáo cho thấy sữa hữu cơ và các sản phẩm làm từ sữa hữu cơ và thịt hữu cơ có chứa đến hơn 50% acid béo omega-3 so với các loại thực phẩm thông thường khác.

Rõ ràng, nguyên tắc sản xuất nói “Không” với hóa chất đã giúp thực phẩm hữu cơ được người tiêu dùng ưu ái, bất chấp việc chi phí có thể cao hơn, bởi tính an toàn, thân thiện môi trường và giàu dinh dưỡng tự nhiên rất có lợi cho sức khoẻ nếu so với thực phẩm thông thường hay thực phẩm biến đổi gen (GMO) đang gây nhiều tranh cãi.

Dần dần, nông nghiệp hữu cơ đã trở thành xu hướng trên toàn cầu. Theo báo cáo của Liên đoàn Quốc tế về phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) và Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Hữu cơ (FiBL), đến năm 2014, nông nghiệp hữu cơ đã được ứng dụng tại hơn 172 quốc gia, bắt nguồn từ Mỹ và châu Âu sau đó lan nhanh ra khu vực châu Á, châu Phi và các nước Mỹ Latinh, với tổng cộng khoảng 43,7 triệu hécta đất nông nghiệp, tương đương gần 1% tổng diện tích đất nông nghiệp, và 2,3 triệu nông dân được công nhận hoạt động trong lĩnh vực này.

Australia là quốc gia có diện tích đất hữu cơ lớn nhất thế giới: 17,2 triệu hécta. Cũng trong năm này, doanh thu toàn cầu của thực phẩm hữu cơ đạt 80 tỷ USD (tương đương 60 tỷ euro).

Trong đó, Mỹ, Đức, Pháp và Trung Quốc là các thị trường lớn nhất, với doanh thu lần lượt 27,1 tỷ euro, 7,9 tỷ euro, 4,8 tỷ euro và 3,7 tỷ euro. Đây là năm chứng kiến nền nông nghiệp hữu cơ của Thụy Điển phát triển nhanh chưa từng thấy, tăng cao hơn 40%.

Mặc dù không nằm trong top đầu song Vương quốc Anh cũng là một trong những quốc gia có thị trường hàng hóa hữu cơ phát triển. Năm 2015, doanh số bán các sản phẩm hữu cơ của “xứ sở sương mù” đạt 1,95 tỷ bảng, tăng 4,9% so với năm 2014.

Trong đó, doanh số của các sản phẩm mũi nhọn như mứt, cá, dầu và dấm, chuối, gia cầm và trà tăng lần lượt 28,1%, 25,1%, 17,5%, 14,4%, 13,1% và 12,8%.

Australia là quốc gia có diện tích đất hữu cơ lớn nhất thế giới. Ảnh: reuters

Đặc biệt, dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp hữu cơ cũng tăng gần 22%. Thị trường hàng hóa hữu cơ nước này dự kiến đạt giá trị 2 tỷ bảng Anh trong thời gian tới.

Tại Israel, quốc gia vốn nổi tiếng với những kỳ tích trên sa mạc bất chấp điều kiện địa lý, khí hậu khó khăn (với hơn một nửa diện tích đất là sa mạc) và khắc nghiệt, ngành nông nghiệp vẫn rất phát triển. Khái niệm về Kibbutz – Hợp tác xã nông nghiệp kiểu Israel đã không còn quá xa lạ với nhiều người.

Đây là một cộng đồng tập thể theo truyền thống dựa vào nông nghiệp với những đặc tính rất riêng, được hoạt động như một xã hội thu nhỏ dựa trên những nguyên tắc tập thể, bình đẳng và kết hợp sản xuất, tiêu thụ, đào tạo với ý tưởng “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”.

Qua nhiều năm làm việc chăm chỉ, kết hợp với những phương pháp canh tác tiên tiến như công nghệ khử mặn hay tưới nhỏ giọt, nuôi cá trên sa mạc…, các Kibbutz đã đạt được nhiều thành công và gần đây nông nghiệp hữu cơ cũng đã trở thành một phần quan trọng của họ. Trong đó, Kibbutz Sde Eliyahu được coi là một nơi tiên phong trong sản xuất nông sản hữu cơ.

Tính đến năm 2015, tại Israel có khoảng 274 Kibbutz và dân số của hình thức hợp tác xã này đang tăng nhanh đáng kể, ở mức khoảng 3% trong năm 2014.

Trong khi đó, tại châu Á, điển hình là ở Ấn Độ, nhu cầu sử dụng thực phẩm hữu cơ đã xuất hiện từ lâu. Đây cũng là lĩnh vực mà New Delhi gần đây rất chú trọng đầu tư phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh nước này phát hiện tỷ lệ nhiễm ung thư tăng cao tại khu vực Malwa thuộc bang Punjab ở phía Tây Bắc Ấn Độ do người nông dân sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu.

Thực trạng này đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo đối với tính an toàn của các hình thức canh tác nông nghiệp thông thường. Báo cáo mới nhất của Chính phủ Ấn Độ cho thấy thị trường thực phẩm hữu cơ của nước này dự kiến sẽ đạt giá trị 1,36 tỷ USD đến năm 2020.

Cũng chính bởi sức lan tỏa rộng lớn như vậy nên hình thức nông nghiệp hữu cơ đang thu hút rất nhiều nguồn vốn đầu tư. Kevin Egolf, chuyên gia tài chính đến từ Iroquois Valley Farms, cho biết thị trường thực phẩm hữu cơ đã tăng khoảng 15% mỗi năm, chủ yếu do người dân ngày càng ưa chuộng các loại thực phẩm lành mạnh.

Thực phẩm hữu cơ (organic food) là sản phẩm của phương cách canh tác nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: reuters

Cùng với đó, châu Âu hiện đã gần như “cấm cửa” thực phẩm GMO cũng như tăng cường kiểm soát chặt chẽ đối với thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm nên triển vọng của nông nghiệp “sạch” sẽ còn sáng hơn nữa.

Trong số các nhà đầu tư có ngân hàng Triodos Bank (Hà Lan), một ngân hàng chuyên cung cấp tài chính cho những đối tượng ưu tiên phát triển bền vững như người nông dân, các nhà sản xuất, chế biến và phân phối các sản phẩm hữu cơ.

Tính đến nay, Triodos Bank đã tài trợ cho khoảng 800 doanh nghiệp thực phẩm và nông nghiệp hữu cơ, khoản tiền cho vay lên tới 150 triệu bảng trên khắp châu Âu.

Trong năm 2015, Chính phủ Canada đã công bố hai gói đầu tư dài hạn phục vụ phát triển lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ. Một trong số đó là khoản tiền 785.660 USD rót vào Hiệp hội thương mại hữu cơ Canada (COTA) nằm trong khuôn khổ dự án trị giá 1,2 triệu USD nhằm hỗ trợ tìm kênh tiêu thụ trong và ngoài nước cho các sản phẩm hữu cơ của Canada. Gói đầu tư thứ hai trị giá 900.000 USD để tạo điều kiện cho các nhà trồng lúa hữu cơ tiến ra thị trường thế giới.

Đứng đầu trong lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng này, Mỹ cũng đã “nhanh chân” ký kết nhiều thỏa thuận thương mại hữu cơ (OEA) xuyên biên giới, trong đó điển hình là các OEA với “người láng giềng” Canada (năm 2009), Liên minh châu Âu (EU) (năm 2012), Nhật Bản (năm 2014) và vùng lãnh thổ Đài Loan (năm 2009).

Theo một báo cáo từ Tổ chức Thương mại Hữu cơ (OTA), trong thời gian từ năm 2011 đến 2014, những thỏa thuận này đã giúp nền kinh tế lớn số một thế giới tăng mức xuất khẩu hàng hóa hữu cơ hàng năm thêm 58% so với kịch bản khi không có thỏa thuận. Gần đây nhất, Washington cũng đã ký thêm OEA với Hàn Quốc (2014) và Thụy Sỹ (năm 2015).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục