Vụ 8B Lê Trực: Thanh tra trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan

16:28' - 13/11/2015
BNEWS Hà Nội vừa quyết định thành lập đoàn thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng tại tòa nhà số 8B Lê Trực.
Sai phạm ở tòa nhà 8B Lê Trực. Ảnh: TTXVN

Thanh tra Thành phố Hà Nội vừa công bố Quyết định thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng tại Dự án trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở bán, cho thuê số 8B Lê Trực, theo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội. 
Thời điểm thanh tra từ khi chủ đầu tư khởi công xây dựng công trình đến nay và những nội dung có liên quan trước và sau thời điểm thanh tra. Thời hạn thanh tra là 45 ngày, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra (10/11/2015).

Đoàn thanh tra gồm 6 người do ông Nguyễn Hữu Lộc, Thanh tra viên cao cấp, Trưởng phòng Thanh tra 6 làm Trưởng đoàn. Đoàn thanh tra có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, đề cương thanh tra, thực hiện đúng nội dung trong Quyết định thanh tra, thực hiện nghiêm quy chế hoạt động của Đoàn Thanh tra theo quy định tại Thông tư 05/2014/TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ, thực hiện các quyền hạn theo Luật Thanh tra 2010. 
Tuy nhiên, theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Thanh tra Thành phố phải hoàn thành công tác thanh tra, kiến nghị UBND Thành phố xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm kéo dài và nghiêm trọng trật tự xây dựng đô thị tại Dự án 8B Lê Trực theo đúng các quy định của pháp luật, báo cáo UBND thành phố trước ngày 25/11 tới. 
Cũng liên quan đến xử lý công trình vi phạm này, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản đôn đốc thực hiện tiến độ, yêu cầu chủ đầu tư dự án này phải nộp phương án tháo dỡ phần xây sai phép cho cơ quan có thẩm quyền trước ngày 15/11/2015, theo tinh thần chỉ đạo trước đó của UBND thành phố Hà Nội. Trường hợp sau 17h ngày 15/11, chủ đầu tư không nộp phương án phá dỡ hoặc có nộp phương án phá dỡ nhưng không đảm bảo theo đúng các yêu cầu nêu trên và các quy định của pháp luật, thì các cơ quan liên quan như Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc, UBND quận Ba Đình... sẽ đứng ra lên phương án thực hiện việc tháo dỡ những phần vi phạm của tòa nhà. 
Theo yêu cầu của Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình và UBND phường Điện Biên phải bố trí cán bộ trực và tiếp nhận hồ sơ phương án phá dỡ của chủ đầu tư. Việc phá dỡ phải đảm bảo theo quy định tại Điều 25 Nghị định 180/2007/NĐ- CP của Chính phủ theo nguyên tắc đảm bảo an toàn cho cả người, các công trình lân cận và giữ gìn vệ sinh môi trường. Việc phá dỡ phải được giám sát chặt chẽ để ngăn chặn những rủi ro có thể xẩy ra.
Đặc biệt, UBND phường Điện Biên phối hợp với Đội Thanh tra xây dựng quận và các cơ quan liên quan áp dụng các biện pháp ngăn chặn để đình chỉ nghiêm công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực; giám sát, đôn đốc chủ đầu tư trong quá trình phá dỡ bộ phận công trình vi phạm. Trường hợp chủ đầu tư không trình phương án phá dỡ và thực hiện phá dỡ theo đúng quy định, Sở Xây dựng đề nghị UBND quận Ba Đình căn cứ Điều 24 Nghị định 180/2007/NĐ- CP của Chính phủ ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ, chỉ định tổ chức tư vấn lập phương án phá dỡ, chủ đầu tư phải chịu mọi chi phí lập phương án phá dỡ. Đồng thời, UBND quận Ba Đình chỉ đạo UBND phường Điện Biên xây dựng kế hoạch cưỡng chế phá dỡ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức cưỡng chế theo quy định tại Điều 17 của Nghị định 180/2007/NĐ- CP./. 
Minh Nghĩa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục