Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên: Hai "ông lớn" nhất trí kế hoạch giảm căng thẳng

06:14' - 05/07/2017
BNEWS Nga và Trung Quốc đã nhất trí kêu gọi Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ cùng tham gia kế hoạch được đề xuất nhằm giảm căng thẳng xung quanh chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin nhất trí kế hoạch giảm căng thẳng trên bán đảo liên Triều. Ảnh minh hoạ: Xinhua

Các nguồn tin ngoại giao cho biết Nga và Trung Quốc đã nhất trí kêu gọi Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ cùng tham gia kế hoạch được đề xuất nhằm giảm căng thẳng xung quanh chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng.

Sáng kiến trên được đưa ra trong tuyên bố chung của các Bộ Ngoại giao Nga và Trung Quốc sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Kremlin.

Theo tuyên bố chung, kế hoạch đề xuất Triều Tiên ngừng chương trình tên lửa và hạt nhân của mình, đồng thời Mỹ và Hàn Quốc hoãn các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn giữa hai nước. Cả hai động thái này được cho là nhằm mở đường cho các cuộc đối thoại đa phương.

Nhấn mạnh tình hình trong khu vực ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của cả hai nước, tuyên bố nêu rõ Nga và Trung Quốc sẽ phối hợp chặt chẽ nhằm thúc đẩy mọi giải pháp có thể cho "vấn đề phức tạp" của bán đảo Triều Tiên.

Bên cạnh đó, hai bên kêu gọi Mỹ dừng ngay việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Hàn Quốc, cho rằng điều này sẽ gây tổn hại đến lợi ích an ninh chiến lược của các nước trong khu vực, trong đó có Nga và Trung Quốc. 

Trước đó, Triều Tiên thông báo đã phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang tên Hwasong-14, đồng thời cho biết tên lửa đã đạt độ cao 2.802 km, bay xa 933 km và đã tấn công trúng mục tiêu trên vùng biển phía Đông sau khi bay 39 phút.

Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cho biết đây là tên lửa đạn đạo tầm trung chứ không phải ICBM, và không gây nguy cơ nào đối với khu vực Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, các số liệu do Bộ Quốc phòng Nhật Bản cung cấp gần giống với thông tin của phía Triều Tiên, theo đó tên lửa mới phóng đã đạt độ cao trên 2.500 km so với mặt biển, bay được 930 km trước khi rơi xuống Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada  cho biết nước này đang phân tích tuyên bố của Triều Tiên về việc phóng thử thành công ICBM.

Sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson cùng ngày 4/7 đã có cuộc điện đàm khẩn cấp để thảo luận về cách giải quyết chung vụ phóng một tên lửa này của Triều Tiên.

Phản ứng về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson kêu gọi cộng đồng quốc tế phải có hành động “mạnh tay hơn” với Bình Nhưỡng. Ông cho rằng vụ phóng tên lửa là một ví dụ cho thấy "mối đe dọa nghiêm trọng" Triều Tiên gây ra đối với các nước láng giềng./.
>>>Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên: Nga kêu gọi quốc tế đối thoại với Bình Nhưỡng

>>>Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên: Trung Quốc kêu gọi đối thoại

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục