Vụ việc tại Công ty Thuận Phong: Chỉ xử lý vi phạm hành chính

17:21' - 20/05/2016
BNEWS Những sai phạm của Công ty Thuận Phong không có dấu hiệu tội phạm hình sự, chỉ là vi phạm hành chính. Sau mở niêm phong, công ty Thuận Phong có quyền thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh.
Công ty phân bón Thuận Phong đã được mở niêm phong để hoạt động trở lại sau 1 năm. Ảnh: thanhnien.vn

Sau 1 năm bị niêm phong, ngày 20/5, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai và các cơ quan chức năng của Đồng Nai đã tiến hành mở niêm phong nhà máy của Công ty Thuận Phong (đóng tại khu phố 7, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Theo ghi nhận của phóng viên, sau 1 năm bị niêm phong, phần lớn phân bón trong kho của Công ty Thuận Phong đã chuyển màu, đông thành từng khối, rêu mốc. Các loại máy móc phục vụ sản xuất bị rỉ sét, hư hỏng nặng nề.

Ông Khiếu Mạnh Tường, Tổng Giám đốc Công ty Thuận Phong cho biết, một năm qua, Công ty Thuận Phong bị niêm phong 178 loại sản phẩm với khối lượng 2.500 tấn.

Công ty còn bị niêm phong dây chuyền NPK hỗn hợp, dây chuyền phân hữu cơ hỗn hợp và các loại máy móc khác trị giá nhiều tỷ đồng. Đa số lượng hàng hóa nêu trên giờ không thể tái sử dụng, máy móc hư hỏng nặng nề nên rất khó phục hồi.

Theo ông Tường, trước khi dính nghi án sản xuất phân bón giả, doanh nghiệp có 185 lao động; gần 500 đại lý ở các tỉnh Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung bộ; doanh thu mỗi năm trên 200 tỷ đồng.

Từ khi phát sinh sự việc, toàn bộ kỹ sư, công nhân bỏ đi; các đại lý nợ công ty số tiền rất lớn nhưng đến nay chưa đòi được. Trong khi đó, từ tháng 4/2015 đến nay, Công ty Thuận Phong vẫn phải trả nợ ngân hàng, đối tác.

Ông Tường cũng cho biết, hiện Công ty Thuận Phong đã ra thông báo tuyển công nhân bằng nhiều hình thức nhưng vẫn không tuyển được. Ngay từ bây giờ công ty sẽ tiến hành rà soát lại máy móc, hàng hóa, lo vấn đề tài chính. Nếu thuận lợi, khoảng 3 – 6 tháng sau Công ty Thuận Phong mới bắt đầu trở lại sản xuất kinh doanh.

Ông Tường mong mỏi: “Tới đây, công ty mong cơ quan chức năng tạo thuận lợi, giải quyết nhanh các loại giấy phép để công ty tái hoạt động”.

Trước đó, ngày 24/4/2015, Ban Chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai tiến hành kiểm tra đột xuất tại xưởng sản xuất của Công ty Thuận Phong.

Do phát hiện Công ty Thuận Phong có dấu hiệu vi phạm trong sản xuất kinh doanh nên lực lượng chức năng đã niêm phong nhà máy sản xuất của công ty, chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh Đồng Nai điều tra, làm rõ.

Qua điều tra, xác minh, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Đồng Nai xác định, ông Khiếu Mạnh Tường chỉ đạo công nhân làm thuê sang chiết, đóng chai, dán nhãn mác chính phụ và trên nhãn hiệu các sản phẩm phân nhập khẩu của Công ty Bio Huma Netics (Hoa Kỳ) có ký hiệu chuẩn hóa chữ ® đã vi phạm Khoản 1, Điều 6, Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ về chỉ dẫn bảo hộ quyền công nghiệp, thực tế các sản phẩm của Bio Huma Netics chưa được đăng ký bảo hộ độc quyền tại Việt Nam.

Việc dán nhãn hiệu, ghi thông tin Made in USA là đúng bản chất hàng hóa vì 7 loại phân bón nêu trên đều được sản xuất tại Công ty Bio Huma Netics.

Nhưng nhãn phụ ghi được phân phối độc quyền bởi Công ty Thuận Phong mà không ghi nội dung thông tin bắt buộc nơi sang chiết đóng chai tại Công ty Thuận Phong là vi phạm Điểm a, Khoản 1, Điều 26, Nghị định 80/2013/NĐ- CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ và Điểm 3, Mục II, Thông tư số 09/2007/TT-BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ.

Được sự đồng ý của Bộ Công an, tháng 4/2016, Công an Đồng Nai kết luận hành vi trên của ông Khiếu Mạnh Tường không cấu thành tội phạm quy định tại điều 156 và 158 Bộ luật Hình sự, vì vậy, Cơ quan Cảnh sát Điều tra quyết định không khởi tố vụ án hình sự; đồng thời chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan Quản lý thị trường xử lý vi phạm hành chính./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục