Vụ xả súng ở Florida: Tổng thống Mỹ đến Parkland thăm hỏi các nạn nhân

11:31' - 17/02/2018
BNEWS Sáng 17/2 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến bang Florida, thăm hỏi các nạn nhân của vụ xả súng xảy ra tại một trường học ngày 14/2, cướp đi sinh mạng của 17 học sinh và giáo viên
Vụ xả súng ở Florida: Tổng thống Mỹ đến Parkland thăm hỏi các nạn nhân. Ảnh: THX

Sáng 17/2 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến bang Florida, thăm hỏi với các nạn nhân của vụ xả súng xảy ra tại một trường học ngày 14/2, cướp đi sinh mạng của 17 học sinh và giáo viên khiến dư luận Mỹ chấn động và bất bình về tình hình kiểm soát súng đạn tại nước này.

Theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ cùng phu nhân đã đến bệnh viện Broward Health North ở thành phố Parkland để thăm những người bị thương trong vụ xả súng trên cũng như tuyên dương đội ngũ bác sĩ, y tá và lực lượng cứu hộ tham gia chăm sóc cho các nạn nhân.

Sau chuyến thăm bệnh viện, Tổng thống Mỹ cũng đến văn phòng cảnh sát hạt Broward để tuyên dương các sĩ quan cảnh sát đã tham gia xử lý vụ việc và cứu được nhiều người.

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ diễn ra trong bối cảnh gia đình các nạn nhân thiệt mạng cũng như dư luận Mỹ bày tỏ tức giận khi trong bài phát biểu sau vụ việc, ông Trump chỉ nói về an toàn trong các trường học và vấn đề rối loạn tâm thần chứ không đề cập việc siết chặt luật kiểm soát súng đạn.

Đêm 15/2 theo giờ Mỹ, hơn 1.000 người đã tham dự một lễ đốt nến gần trường học và đồng loạt hô khẩu hiệu yêu cầu hạn chế súng đạn.

Phát biểu 1 ngày sau vụ việc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi hàn gắn và hòa bình, đồng thời khẳng định chính quyền sẽ nỗ lực để cải thiện môi trường an toàn trong các trường học và giải quyết vấn đề về rối loạn tâm thần.

Trong khi đó, theo truyền thông Mỹ, cả hai lĩnh vực này đều sẽ bị cắt giảm ngân sách theo kế hoạch chi tiêu công bố ngày 12/2 của Tổng thống Mỹ.

Theo đó, chính quyền Tổng thống Trump dự định cắt giảm ngân sách cho chương trình y tế Medicaid vốn cấp quỹ cho việc điều trị rối loạn tâm thần cũng như cắt 36% ngân sách của một chương trình thuộc Bộ Giáo dục về bảo vệ an ninh trường học.

Dư luận Mỹ cũng tức giận trước lời thừa nhận của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) về việc dù nhận được cảnh báo song không ngăn chặn được vụ xả súng.

Thống đốc bang Florida Rick Scott thậm chí đã lên tiếng yêu cầu Giám đốc FBI Christopher Wray từ chức.

Trong một tuyên bố, Thống đốc Scott nhấn mạnh việc thừa nhận sai lầm hay xin lỗi không thể khiến 17 nạn nhân sống lại hay làm giảm nhẹ nỗi đau của gia đình các nạn nhân.

FBI đã từng 2 lần nhận được cảnh báo về xu hướng bạo lực của Nikolas Cruz, đối tượng gây ra vụ xả súng nêu trên.

Theo đó, cảnh báo gần nhất là vào ngày 5/1 vừa qua, một người đã gọi điện để cảnh báo về việc sở hữu súng đạn, ý định giết người, hành vi bất thường, những bình luận gây lo ngại trên mạng xã hội thậm chí nguy cơ tiến hành một vụ xả súng ở trường học của Cruz.

Tuy nhiên, cảnh báo này đã không được điều tra cũng như gửi đến giới chức địa phương.

Trước đó, hồi tháng 9/2017, FBI cũng lưu tâm tới cảnh báo từ một tài khoản Youtube mang tên Nikolas Cruz về việc sẽ tấn công trường cấp 3 Marjory Stoneman Douglas ở bang Florida (Phlo-ri-đa), song không thể tìm ra đối tượng đã đăng tải cảnh báo này.

Với vụ xả súng tại trường Marjory Stoneman Douglas, nước Mỹ đã phải đối mặt với tổng cộng 18 vụ xả súng trường học chỉ trong chưa đầy 2 tháng đầu năm 2018.

Bạo lực súng đạn cướp đi sinh mạng của 90 người Mỹ mỗi ngày trong bối cảnh vấn đề sở hữu súng đạn nhiều năm qua vẫn chỉ là đề tài gây tranh cãi tại Mỹ mà chưa có biện pháp kiểm soát mạnh tay.

Hiện việc mua bán và sử dụng vũ khí tại nhiều bang ở Mỹ vẫn diễn ra mà không cần thông qua bất kể sự rà soát nào về lý lịch cũng như tiền sử tâm lý.

Thời cựu Tổng thống Barack Obama, ông đã nhiều lần nỗ lực thúc đẩy thông qua dự luật kiểm soát súng đạn tại Mỹ, song đều bị thất bại trong bối cảnh đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế trong Quốc hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục