Vùng Tây Bắc chưa nhiều bứt phá

11:15' - 02/12/2017
BNEWS Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh muốn phát triển vùng Tây Bắc, thì cần phải được tiếp tục nghiên cứu với những cách tiếp cận mới để có cơ chế, chính sách liên vùng phù hợp, đem lại hiệu quả nhất.

Mặc dù sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, đất đai phì nhiêu và khí hậu đa dạng, có điều kiện để phát triển nông lâm nghiệp; du lịch và hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung như: cây ăn quả, chè, cà phê, rừng nguyên liệu giấy, cây dược liệu... nhưng vùng Tây Bắc chưa có nhiều bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, nông nghiệp do gặp khó khăn về hạ tầng, địa hình khó khăn hiểm trở... nên chưa phát huy được lợi thế.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Ảnh: Thế Anh-TTXVN

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, vùng Tây Bắc với diện tích 5,64 triệu ha, gồm các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái và Hòa Bình. Phần lớn các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với các vùng khác trong cả nước (31,2%).

Bên cạnh đó, đất đai và các tài nguyên khác đang bị suy thoái. Đặc biệt, trong những năm gần đây khu vực này chịu nhiều tác động bất lợi do thời tiết cực đoan như mưa lũ, khô hạn, sương muối...

"Muốn phát triển bền vững toàn bộ nền kinh tế của vùng Tây Bắc bao gồm cả các vấn đề an ninh lương thực, nguồn nước, đất, phòng tránh thảm hoạ và ứng phó với biến đổi khí hậu, thì cần phải được tiếp tục nghiên cứu với những cách tiếp cận mới để có cơ chế, chính sách liên vùng phù hợp, đem lại hiệu quả nhất", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Thực tế, đã có nhiều mô hình canh tác nông nghiệp thân thiện, nhiều ứng dụng nghiên cứu, các chuỗi sản xuất, cung ứng... nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Một số mô hình chuỗi giá trị thành công cũng đang tiếp tục được mở rộng như chuỗi rau an toàn Mộc Châu; chuỗi giá trị mận Mộc Châu, thịt bò Điện Biên.... Tuy nhiên, những kết quả đạt được mới trên phạm vi hẹp nên hiệu quả và sức lan toả chưa cao.

Thời gian qua, Chính phủ Australia thông qua Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR) đã hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tăng cường nghiên cứu; mang lại các tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần giảm nghèo và cải thiện thu nhập của nông dân, đặc biệt là vùng Tây Bắc.

Các dự án này đã hướng tới giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm; sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng ít tài nguyên và bền vững; liên kết thị trường, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp.

Ông Andrew Cambell – Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Australia cho hay, vùng núi Tây Bắc của Việt Nam có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi, chất lượng đất, chất lượng nước tốt và nguồn nhân lực dồi dào. Tuy nhiên, những khó khăn ở khu vực này là tỷ lệ đói nghèo cao dù đây cũng là cơ hội tiềm năng rất lớn để có thể tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp, mang lại lợi ích cho người dân.

Mặt khác, vùng núi Tây Bắc Việt Nam có tới 80% người dân sống dựa vào nông nghiệp, do đó, những nỗ lực nhằm nâng cao năng suất trong nông nghiệp, đời sống cho người dân là hết sức quan trọng.

Hiện, ACIAR có rất nhiều dự án nghiên cứu trải dài trong nhiều năm và mục tiêu là xây dựng năng lực cho các hộ nông dân trong canh tác nông nghiệp để họ có thể sản xuất ra lương thực, thực phẩm với chất lượng tốt hơn; nâng cao thu nhập, tiếp cận thị trường và mang lại những lợi ích cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu nữa của ACIAR là nâng cao chuỗi giá trị, giúp người nông dân có thể tiếp cận thị trường tốt hơn, phát triển nông nghiệp bền vững.

"Ở khu vực này, chúng tôi đã kết hợp với rất nhiều người H'mông nhằm nâng cao chất lượng sản xuất rau bản địa, để người nông dân có thể bán được ở các thị trường cao cấp hơn như Hà Nội hay những thị trường lớn khác. Và ACIAR đã có những dự án lâm nghiệp trải dài với diện tích khoảng 1 triệu ha rừng, mang lại hiệu quả cao cho người nông dân, đạt khoảng 35.000 USD/năm, thu nhập này cao gấp 10 lần so với việc người dân khai thác gỗ tràn lan cũng như không kiểm soát trước đây" - ông Andrew Cambell nói.

Ông Andrew Cambell nhấn mạnh: "Mục tiêu lâu dài của chúng tôi là khi phát triển được các hệ thống canh tác nông nghiệp ở khu vực này thì các hộ nông dân có nhiều thu nhập hơn và từ đó có thể cải thiện giáo dục cho con cái họ. Từ đó, có thể mang lại lợi ích, sự thịnh vượng cho cộng đồng".

Ông Lò Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho hay, ACIAR đã hợp tác với tỉnh Sơn La 15 năm nay thông qua 7 chương trình, dự án cụ thể. Qua đó, đã làm thay đổi nhận thức của người dân Sơn La, từ canh tác theo tập quán sang ứng dụng khoa học kỹ thuật trên đất dốc, sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và đặc biệt là biết sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Phát triển bền vững toàn bộ nền kinh tế của vùng Tây Bắc. Ảnh minh họa: Xuân Tư/TTXVN

Bên cạnh đó, người nông dân cũng hiểu rằng, sản xuất phải có sự liên kết giữa các hộ, nhóm hộ, hợp tác xã để hình thành khối lượng nông sản lớn; hình thành vùng sản xuất tập trung thuận tiện cho việc thâm canh, chế biến, thu mua và bảo quản.… Đồng thời, Sơn La cũng ban hành các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững hiệu quả.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai - Nguyễn Anh Tuấn đánh giá, đối với các tỉnh Tây Bắc sản xuất nông nghiệp là hết sức quan trọng, trong khi đó, điều kiện tự nhiên, các tác động của thị trường cũng như điều kiện canh tác còn lạc hậu. Cho nên các dự án của nước ngoài cũng như của các nhà khoa học là hết sức cần thiết, giúp cho nông dân vùng này có thêm kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, đặc biệt là sản xuất theo chuỗi cũng như giới thiệu quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm.

"Lào Cai hiện đang tham gia dự án phát triển cây ăn quả gắn với du lịch cũng như các dự án nhỏ gắn với phát triển sinh kế, các dự án này đã đem lại kinh nghiệm cho tỉnh trong việc tổ chức sản xuất, đây cũng là điều kiện nhằm nâng cao năng lực cho nông dân" - ông Tuấn cho hay.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Tây Bắc phát triển trên quy mô sâu rộng và hiệu quả hơn, cần ưu tiên đầu tư, nghiên cứu tăng giá trị sản phẩm hàng hoá thông qua phát triển các chuỗi giá trị nông, lâm sản có thế mạnh của địa phương, gắn sản xuất với thị trường trong và ngoài nước; tổ chức nền nông nghiệp đặc hữu, đa dạng phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái và đa dạng sinh học. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy các chính sách xây dựng thương hiệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản địa phương; khuyến khích các mô hình sinh thái, nông nghiệp bảo tồn, nông nghiệp hữu cơ, sử dụng giống bản địa.

Bên cạnh đó, cũng cần ưu tiên xây dựng các chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp gồm rừng, gỗ, các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ và dược liệu, du lịch rừng; chính sách thúc đẩy các chuỗi giá trị gỗ được chứng nhận quản lý rừng bền vững nhằm phục vụ chế biến và xuất khẩu vào các thị trường quốc tế có giá trị cao như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng cho biết, để phát triển vùng Tây Bắc cần có chính sách thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào chế biến tăng giá trị và giảm xuất khẩu nguyên liệu thô; phát triển và đẩy mạnh các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị như doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, nông nghiệp hợp đồng giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và nông dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục