Vướng luật chuyên ngành, Luật Đầu tư vẫn gặp khó

07:10' - 18/01/2016
BNEWS Bộ trưởng Bộ KHĐT: Chính phủ đã lập Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Những quy định nào mang tính cấm đoán quyền của người dân trái luật thì phải hạn chế.
6 tháng sau khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, số doanh nghiệp đăng ký mới đã tăng đáng kể. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Sáu tháng sau khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực thi hành (1/7/2015), hoạt động đăng ký doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực với số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng đáng kể và số vốn đăng ký tăng cao so với cùng kỳ 2014. Tín hiệu tích cực này cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh đã có sự khởi sắc và trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư.

Hiệu quả thực thi

Tại Hội thảo thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Anh Tuấn nhận định: “Nửa năm thực hiện Luật Doanh nghiệp là quá ngắn để đánh giá tác động của đạo luật, đặc biệt là quan trọng như Luật Doanh nghiệp”.

Tuy nhiên theo ông Tuấn, những con số tăng trưởng ấn tượng trong công tác đăng ký doanh nghiệp đã cho thấy sự thành công bước đầu của hai Luật Doanh nghiệp và Đầu tư mới.

Ông Bùi Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tham luận. Ảnh: CIEM

Ông Tuấn chia sẻ, hồ sơ doanh nghiệp gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh tăng 40% so với cùng kỳ 2014, ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã từng có tình trạng quá tải. “Hồ sơ tăng mạnh, trong khi thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp giảm chỉ còn ba ngày. Số hồ sơ tăng lên, thời gian xử lý thủ tục giảm, nhưng biên chế không thêm người nào”, ông Tuấn nói.

Sau khi Nghị quyết số 59/NQ-CP của Chính phủ về triển khai thi hành hai luật này được ban hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư  đã ban hành 4 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, 2 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư và 3 Thông tư.

Đến nay, toàn bộ công tác hướng dẫn thi hành hai Luật trên đã cơ bản hoàn thành. Mặc dù đã có những thay đổi vượt trội trong công tác thi hành, nhưng do mới bắt đầu áp dụng và triển khai trên diện rộng, tiến trình thực thi Luật vẫn đang gặp khó bởi những vướng mắc phát sinh trong khâu triển khai.

Về những tiến bộ trong việc thi hành Luật Doanh nghiệp 2014, Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Công ty Luật NH Quang và cộng sự cho biết việc bãi bỏ ghi ngành nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp là một cải cách đột phá trong Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Hưng Quang nhấn mạnh cần phải nghiêm túc đánh giá những vướng mắc còn tồn tại trong quá trình thực thi Luật mới. Ông Quang cho rằng, vẫn còn nhiều rào cản trong quá trình đưa hai Luật này vào đời sống.

Rắc rối giấy phép con

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ này đã chủ động rà soát, đánh giá sự cần thiết, tính hợp lý và hiệu quả của các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư. Kết quả rà soát cho thấy, trong số 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh áp dụng đối với 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư thì có đến 2.833 điều kiện hiện đang được quy định tại các văn bản được ban hành không đúng thẩm quyền, bao gồm cả các văn bản được ban hành trước và sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành.

Yêu cầu về giấy phép con đang trở thành rào cản cho người dân khi đăng ký kinh doanh. Ảnh: TTXVN

Điều đặc biệt đáng lưu ý là sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành, một số Bộ vẫn tiếp tục ban hành, soạn thảo các Thông tư quy định về điều kiện kinh doanh.

 “Như vậy, trên thực tế, nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn được ban hành trái thẩm quyền hoặc hết hiệu lực nhưng vẫn đang được áp dụng. Điều này đã làm suy giảm hiệu lực thi hành các quy định của Luật Đầu tư về kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh” - Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ quan ngại.

Rào cản Luật chuyên ngành

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Đầu tư đã cải cách mạnh mẽ thủ tục đầu tư theo hướng thay thủ tục thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với lĩnh vực đầu tư có điều kiện bằng thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không yêu cầu lấy ý kiến thẩm tra của các Bộ, ngành.

Tuy nhiên, một số văn bản pháp luật được ban hành trước thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực vẫn yêu cầu thực hiện các thủ tục khác trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Điều này dẫn đến xung đột giữa các văn bản pháp luật, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và cơ quan đăng ký đầu tư.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) trăn trở, nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh xuất hiện mới, vô hình chung trở thành vật cản cho sự phát triển của các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng – Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trình bày tham luận. Ảnh: CIEM

Theo bà Hồng: “Trong bối cảnh tính minh bạch trong hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều vấn đề, việc kiểm soát các Bộ ban hành Thông tư có chứa đựng về điều kiện đầu tư kinh doanh là không phải dễ dàng”.

Đơn cử, theo Luật Bảo vệ Môi trường, chủ dự án có tránh nhiệm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Báo cáo này phải được lập đồng thời với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án (Điều 19) và các dự án loại này chỉ được phê duyệt, cấp phép đầu tư sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Một số Luật chuyên ngành quy định rõ các loại dự án phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ hoặc phải được Bộ chuyên ngành thẩm tra, nhưng, theo quy định tại Luật Đầu tư 2014 lại không thuộc diện phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư…

Đánh giá về những vướng mắc trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh chia sẻ: “ Việc ban hành điều kiện kinh doanh không phải là ý tưởng tồi, điều này để đảm bảo tính công bằng, và chất lượng phát triển tốt hơn cho xã hội. Nhưng cái nào mang tính cấm đoán quyền của người dân trái luật thì phải hạn chế”.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định: Chính phủ đã lập Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp. Năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát và hoàn thiện các văn bản pháp luật, đảm bảo tính thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ 1/7 đến hết 15/12/2015, đã có 46.740 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký 302.674 tỷ đồng, tăng 24,5% về số doanh nghiệp và tăng 50,3% về số vốn đăng ký mới. Trong đó, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cả năm 2015 đạt 93.868 doanh nghiệp, tăng 25,4% về số doanh nghiệp và tăng 37,9% về số vốn, lớn nhất từ trước tới nay.
Về tình hình đăng ký đầu tư, cùng thời gian nêu trên, cả nước có 842 dự án đầu tư nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký là 7,532 tỷ USD và có 788 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,374 tỷ USD.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục