Xây dựng “kịch bản” sản xuất nông nghiệp thích ứng với xâm nhập mặn

17:50' - 17/03/2016
BNEWS Xây dựng bản đồ về xâm nhập mặn, nhanh chóng nghiên cứu cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình xâm nhập mặn.
Xây dựng “kịch bản” sản xuất nông nghiệp thích ứng với xâm nhập mặn. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Cục Trồng trọt đã đưa ra quy trình hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái cho vùng đất bị nhiễm mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016.

Cùng với đó, căn cứ vào tình hìnhxâm nhập mặn, Cục Trồng trọt cũng đang xây dựng một gói kỹ thuật sản xuất nông nghiệp để khu vực này có thể thích ứng với biến đổi khí hậu cho những năm tiếp theo.

“Quan trọng nhất hiện nay là phải xây dựng được bản đồ về xâm nhập mặn, từ đó nhanh chóng nghiên cứu cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình xâm nhập mặn”, ông Ma Quang Trung nhấn mạnh.

Về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Viện Quy hoạch Thủy lợi Việt Nam phải xây dựng được bản đồ xâm nhập mặn. Trên cơ sở đó, Cục Trồng trọt sẽ có quy hoạch, bố trí những cây trồng phù hợp. Nước biển dâng tới đâu, xâm nhập mặn tới đâu sẽ có những kịch bản đến đó.

Theo ông Ma Quang Trung, cây lúa vẫn là cây trồng thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long, do vậy trọng tâm vẫn phải tập trung vào nghiên cứu các giống lúa chịu mặn cao hơn. Cục Trồng trọt đang kết hợp với các viện, trung tâm nghiên cứu để đưa ra các giống lúa chịu mặn hơn. Với các loại cây dài ngày cũng phải tìm những loại cây trồng phù hợp.

Những khu vực bị xâm nhập mặn thường xuyên, không giống lúa nào chịu được sẽ quy hoạch nuôi tôm hoặc một vụ tôm với một vụ lúa… Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng đưa ra các giải pháp kỹ thuật để hạn chế hạn mặn xâm nhập đối với cây trồng như: ủ gốc giữ ẩm, cắt tỉa cành để khỏi thoát hơi nước…

Các địa phương tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống của các vụ Hè Thu 2016 và Mùa 2016 thật hợp lý, né tránh hạn, mặn, tập trung, nhanh và gọn. Thời vụ lúa Hè Thu cần tập trung vào tháng 4, tháng 5 điều này phù hợp với chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và sắp xếp thời vụ sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Không xuống giống lúa Xuân Hè vì lượng nước phục vụ cho sản xuất lúa khan hiếm vào các tháng đầu năm 2016. Đối với những vùng không chủ động về nguồn nước, bị xâm nhập mặn kiên quyết không gieo sạ, bắt buộc phải chờ mưa nhằm tránh thiệt hại không đáng có.

Về cơ cấu giống, ngoài các ưu tiên cho sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường, cần chú ý tới việc phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn. Sử dụng các giống lúa ngắn ngày, giống lúa chống chịu hạn, phèn mặn, kết hợp với các biện pháp canh tác, phân bón, cung cấp dinh dưỡng cho lúa.

Cùng với đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa bị hạn mặn, trồng lúa kém hiệu quả, sử dụng các giống cây trồng có khả năng chịu hạn mặn tốt. Sử dụng nước tiết kiệm, tưới tiên tiến cho lúa và cây trồng cạn (SRI, nông-lộ-phơi, nhỏ giọt, phun mưa...); điều chỉnh việc cấp nước phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt, bảo đảm hiệu quả sản xuất.

Theo kế hoạch từ sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vụ Hè Thu 2016 toàn vùng dự kiến sẽ gieo sạ hơn 1.665.300 ha, tăng 628 ha so với Hè Thu 2015. Vụ Thu Đông 2016 gieo sạ 900.861 ha, tăng 25.894 ha so Thu Đông 2015. Vụ Mùa 2016 các tỉnh gieo sạ 190.300 ha, giảm 5.800 ha./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục