Xây dựng mô hình nuôi lươn đồng thương phẩm

18:30' - 21/07/2017
BNEWS Lươn đồng là vật có giá trị dinh dưỡng cao, nhu cầu thị trường rộng lớn. Nếu được ứng dụng khoa học – kỹ thuật tiến bộ sẽ mang lại thu nhập, lợi nhuận khá cao cho người sản xuất.

Ngày 21/7, tại thị xã Duyên Hải, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Trà Vinh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Xây dựng mô hình nuôi lươn đồng thương phẩm” nhằm phát triển phong trào nuôi lươn đồng tại địa phương.

Theo ông Châu Văn Thuận, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Trà Vinh, lươn đồng là vật có giá trị dinh dưỡng cao, nhu cầu thị trường rộng lớn. Nếu được ứng dụng khoa học – kỹ thuật tiến bộ sẽ mang lại thu nhập, lợi nhuận khá cao cho người sản xuất.

Mặt khác, nuôi lươn đồng rất nhẹ công chăm sóc, thích hợp với các hộ ít đất sản xuất. Tuy nhiên, quá trình nuôi lươn đồng cũng đòi hỏi các yếu tố nghiêm ngặt về con giống, môi trường nước, nhiệt độ, thức ăn, loại bể nuôi, quy trình chăm sóc…

Tại hội thảo, các đại biểu được chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi lươn đồng ở vùng nước ngọt tỉnh Trà Vinh, cách chuẩn bị bể nuôi, các loại máy móc và thiết bị cần thiết, thức ăn, cách phòng và trị bệnh, thời gian thu hoạch…

Bà Phạm Thị Thu Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Vĩnh Long chia sẻ một số kinh nghiệm nuôi lươn của địa phương.

Tỉnh Vĩnh Long có khoảng 2.250 m2 diện tích nuôi lươn thương phẩm không bùn trong bể xi măng hoặc bể lót bạt, cung cấp cho thị trường khoảng 6-8 tấn lươn thương phẩm/năm. Sau hơn 5 tháng thả nuôi thì thu hoạch, lợi nhuận bình quân hơn 1 triệu đồng/m2.

Theo bà Hồng, để nghề nuôi lươn phát triển hiệu quả và bền vững, ngoài yếu tố chất lượng con giống, ứng dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến, thì cũng cần quan tâm đến vấn đề tiêu thụ sản phẩm.

Ông Châu Văn Điền, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Càng Long cho biết, hiện trên địa bàn huyện có 7 hộ nuôi lươn đồng trên bể xi măng và bể bạt không bùn, rải rác ở các xã Huyền Hội, Đức Mỹ, An Trường và Tân Bình. Trung bình, mỗi hộ thả nuôi từ 1.500-2.000 con giống trên diện tích khoảng 10m2; sau 6 tháng thu hoạch cho lợi nhuận hơn 15 triệu đồng.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc nuôi lươn cũng gặp nhiều khó khăn do kỹ thuật nuôi của các hộ còn hạn chế nên tỷ lệ lươn nuôi bị hao hụt nhiều, chậm lớn, trong khi giá con giống khá cao.

Để giúp người nuôi lươn yên tâm sản xuất, ngành nông nghiệp huyện đã tăng cường khuyến nông khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ngành khuyến khích người dân chuyển hình thức từ nuôi nhỏ lẻ sang nuôi tập trung quy mô lớn, tham gia tổ hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm, và dễ tìm đầu ra cho sản phẩm. Ngành cũng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư cung ứng con giống, thức ăn...

Theo nghiên cứu của các chuyên gia Viện nuôi trồng Thủy sản III tại vùng nước ngọt tỉnh Trà Vinh, lươn đồng là loài cá dữ, ăn thịt, hoạt động về đêm; có phổ thức ăn rộng như: giun, ốc, tôm, tép, cá, nòng nọc…

Người nuôi có thể sử dụng thức ăn tươi sống, chế biến hoặc công nghiệp. Lươn đồng sống trong môi trường có pH trung tính, nhiệt độ thích hợp 22-28 độ C, cũng có thể sống trong môi trường có hàm lượng oxy hòa tan thấp.

Môi trường sống khá đa dạng như đầm lầy, nước tù đọng, ruộng lúa, sông suối, kênh, ao, mương, hồ tự nhiên hoặc nhận tạo… với độ sâu thấp hơn 3m. Lươn có khả năng chịu được lạnh và sống được trong môi trường nước lợ. Sau thời gian nuôi từ 8-10 tháng, lươn đạt kích cỡ trung bình trên 200gram/con, người nuôi có thể thu hoạch.

Ông Phạm Nam Dương, Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh Trà Vinh cho rằng, để nghề nuôi lươn phát triển hiệu quả và bền vững, các sở, ngành liên quan, các địa phương cần tập huấn cho người nuôi về kỹ thuật sản xuất giống lươn, kỹ thuật xây dựng chuồng trại nuôi, chọn giống thả nuôi, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Hội Thủy sản cũng khuyến cáo người dân tránh chạy theo phong trào, phát triển diện tích nuôi ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu như một số đối tượng thủy sản nuôi trước đây./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục