Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại

12:33' - 20/07/2018
BNEWS Sau 10 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 26/NQ-TW đã khẳng định là quyết sách đúng đắn; có tầm chiến lược và mang tính đột phá, được triển khai đồng bộ, nghiêm túc, sâu rộng theo hướng hiện đại hóa

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26/NQ-TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tạo nên sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức cũng như trách nhiệm của các cấp ngành đối với sự phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là nội dung báo cáo tại hội nghị "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khoá X" do Bộ Công Thương tổ chức sáng 20/7 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định: Nghị quyết 26/NQ-TW được Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa X thông qua ngày 5 tháng 8 năm 2008 hết sức có ý nghĩa, thể hiện đường lối đổi mới của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn.
Cùng với đó, nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và có bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới. Ngoài ra, cũng góp phần xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội hiện đại. Cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ theo quy hoạch. Đặc biệt, xây dựng giai cấp công nhân, tạo nền tảng kinh tế, xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, sau 10 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 26/NQ-TW đã khẳng định là một quyết sách đúng đắn; có tầm chiến lược và mang tính đột phá, được triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, sâu rộng. Đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị và đông đảo người dân tham gia, mang lại luồng sinh khí mới cho phát triển tam nông trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chính vì vậy, việc thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển mạnh mẽ được thể hiện qua nhiều thành tựu. Nhất là sự dịch chuyển hợp lý cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp. Điều này giúp xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa quy mô lớn có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao.

Bộ Công Thương tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, khó khăn nhất là về pháp luật, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện. Những hạn chế này không chỉ của riêng ngành công thương mà là vấn đề chung của cả nước.
Do đó, để đạt được mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, cần đánh giá một cách khách quan các kết quả đạt được về việc thực hiện Nghị quyết của ngành công thương. Cùng đó, nhìn thẳng vào những hạn chế tồn tại trong quá trình triển khai; xác định rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan để tìm ra giải pháp khắc phục.
Mặt khác, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm và chiến lược của ngành để tiếp tục thực hiện hiệu quả theo tinh thần của Nghị quyết. Từ đó, trao đổi rút ra kinh nghiệm, bài học có giá trị phổ biến từ thực tiễn tổ chức thực hiện của hệ thống chính trị cấp cơ sở, của ngành công thương. Đồng thời, đề xuất Trung ương quan điểm, chủ trương, cơ chế và chính sách; những giải pháp cụ thể thiết thực nhằm tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc chỉ đạo điều hành.
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành công thương, ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tạo nên sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với sự nghiệp phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Ông Ngô Quang Trung-Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Điều này thể hiện qua việc các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn tập trung vào các ngành nghề có thế mạnh. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản từng bước vươn ra thị trường xuất khẩu. Các chính sách thương mại, hàng rào kỹ thuật và điều hành hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng linh hoạt…
Tuy nhiên, ông Ngô Quang Trung cũng thừa nhận việc phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng còn nhiều hạn chế và khó khăn.
Đó là sự phát triển chưa đồng đều giữa các vùng cũng như thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị mới chỉ diện hẹp trên một số sản phẩm; chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu gắn với thị trường tiêu thụ.
Không những thế, do đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương phải kiêm nhiệm khối lượng công việc nhiều, linh phí khuyến công còn ít; quy hoạch đầu tư hạ tầng chậm; vấn đề tiêu thụ sản phẩm, giải quyết đầu ra cho sản phẩm tại nông thôn trong chuỗi hệ thống phân phối, tiêu thụ còn nhiều bất cập....

Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS


Trước những khó khăn tồn tại, đa số các đại biểu đều nhất trí thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và hòan thành các tiêu chí, nội dung ngành công thương được phân công theo dõi, thực hiện.
Bên cạnh đó, tận dụng thời cơ cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 để tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng chợ thương mại điện tử nông sản quốc gia nhằm thúc đẩy giao dịch.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần tập trung phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn. Hơn nữa, đẩy mạnh hoạt động khuyến công, mở rộng tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cần khuyến khích sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh đàm phán và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các giải pháp định hướng sản xuất các mặt hàng nông sản có lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, triển khai các thỏa thuận hợp tác thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản với các nước cũng như xóa đói giảm nghèo đảm bảo an sinh xã hội nông thôn nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.
Uyên Hương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục