Xây dựng ngân hàng đa năng để đón đầu TPP

08:51' - 06/11/2015
BNEWS Để đón đầu những cơ hội khi TPP có hiệu lực, các cơ sở tín dụng tại Nghệ An đang tăng cường đầu tư, đổi mới chi nhánh ngân hàng theo hướng đa năng, hiện đại.
Hệ thống chi nhánh các ngân hàng tại Nghệ An hướng đến đa năng, hiện đại để tận dụng cơ hội từ TPP. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Khi hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực các luồng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam tăng trưởng mạnh sẽ tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng.

Theo đó, hệ thống ngân hàng được tăng cường thanh khoản và gia tăng cơ hội kinh doanh cũng như có thêm điều kiện để mở rộng hợp tác, nâng cao năng lực quản trị tài chính.

Điều này đòi hỏi các cơ sở tín dụng cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng là phải tăng cường đầu tư, đổi mới chi nhánh ngân hàng đa năng, hiện đại.

Anh Nguyễn Hữu Minh – Kế toán trưởng Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội, chi nhánh Nghệ An cho biết: “Để có ngân hàng tốt thì phải có nhân lực tốt, nhân tố con người là yếu tố hàng đầu quyết định “sức khỏe” của chính ngân hàng đó.

Đi đôi với đó, ngân hàng cũng chủ động nghiên cứu, phát triển sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới và chủ động tham gia thị trường tài chính toàn cầu; mở rộng phạm vi khách hàng, sản phẩm dịch vụ và áp dụng chính sách khách hàng, chính sách giá linh hoạt”.

Nông nghiệp là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi hiệp định TPP được ký kết. Sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An chủ yếu quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu nên gia nhập TPP cũng mở ra cơ hội cho Nghệ An trong thu hút đầu tư, hợp tác với nước ngoài nhằm hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Chính vì vậy áp lực về thị trường vốn cho lĩnh vực này cũng đặt ra cho hệ thống ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Với mạng lưới 69 điểm giao dịch, gần 3.000 tổ vay vốn trải rộng khắp các huyện thành thị, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An đang dần khẳng định vai trò chỉ đạo trên thị trường tài chính nông thôn.

Để làm chủ thị trường tài chính rộng lớn này và có thể chấp cánh cho nông sản của tỉnh có cơ hội xuất khẩu phụ thuộc rất lớn và tiềm lực tài chính, khả năng quản trị của hệ thống ngân hàng nông nghiệp.

Ông Phan Đức Tiến – Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Nghệ An cho biết: “Để phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, chúng tôi sẽ ưu tiên lĩnh vực phát triển mô hình kinh tế bền vững để có cơ hội cạnh tranh về sản phẩm.

Cụ thể hơn là tập trung ưu tiên vào 7 lĩnh vực như cho vay chi phí phát sinh phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; cho vay phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ trên địa bàn nông thôn; cho vay để sản xuất giống trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trồng rừng; cho vay phát triển ngành nghề; cho vay phục vụ chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới…”.

Với địa bàn có đến 40 chi nhánh cấp I và một hội sở chính; 256 phòng giao dịch và 55 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động, đến thời điểm này tổng nguồn vốn trên đại bàn Nghệ An đạt 78.000 tỷ đồng, hệ thống dịch vụ tài chính ngân hàng trên địa bàn đã và đang có đủ tiềm lực và điều kiện tốt để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Ông Cao Văn Hợi – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An khẳng định: “Để đủ sức cạnh tranh cùng các ngân hàng khác trong xu thế hội nhập vào thị trường tài chính – tiền tệ quốc tế như hiện nay thì ngay từ bây giờ các ngân hàng ở Nghệ An phải cải tiến hoạt động, chuẩn bị chiến lược kinh doanh phù hợp, hướng đến mô hình ngân hàng đa năng".

Ông Lợi chi tiết thêm, các ngân hàng phải đảm bảo về vốn, tổng tài sản, năng lực quản lý, lợi nhuận, khả năng thanh khoản, thông tin công khai, minh bạch và độ thích ứng với thị trường.

Bên cạnh đó, xử lý nợ xấu, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, công cụ hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin nhanh nhạy theo chuẩn mực quốc tế cũng là yếu tố tiên quyết. Ở tầm vĩ mô cũng cần có các chính sách tiền tệ hợp lý để thiết lập môi trường tài chính ổn định”./.

Bích Huệ/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục