Xây dựng thương hiệu cá sông Đà

12:29' - 20/04/2018
BNEWS Sau khi Thủy điện Sơn La hoàn thành và đi vào hoạt động đã tạo ra tiềm năng về diện tích mặt nước rất lớn phù hợp cho việc nuôi trồng thủy sản.

Tận dụng lợi thế này, người dân vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La, đặc biệt là huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La) đã và đang dần chuyển hướng sản xuất sang nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.

Đến nay, huyện Quỳnh Nhai có 10 HTX nuôi cá lồng bè, chưa kể số lồng cá của các hộ đơn lẻ với tổng số trên 500 lồng cá. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Đây là một ngành nghề mới và bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với số lượng lồng cá ngày càng tăng, việc xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm cá lồng đang là vấn đề được huyện Quỳnh Nhai quan tâm, hướng tới phát triển nuôi cá lồng theo hướng hiệu quả, bền vững.

Quỳnh Nhai hiện có hơn 10.500 ha mặt nước. Để phát huy tiềm năng, lợi thế mặt hồ, huyện Quỳnh Nhai đã tuyên truyền, hỗ trợ người dân phát triển nuôi cá lồng. Nhờ đó, số lượng các hợp tác xã thủy sản trong huyện ngày một tăng.

Chỉ tính năm 2017, địa phương đã thành lập mới 17 hợp tác xã thủy sản. Nâng tổng số hợp tác xã thủy sản của huyện lên gần 50 hợp tác xã tham gia nuôi cá, với số lồng nuôi trên 6.800 lồng; trong đó, số lồng đảm bảo mật độ có hiệu quả hơn 3.000 lồng.

Bên cạnh đó, người dân nơi đây còn khai thác hiệu quả hơn 200 ha ao hồ, kết hợp với đánh bắt thủy sản trên lòng hồ Thủy điện Sơn La. Tổng sản lượng nuôi, đánh bắt thủy sản cả năm 2017 của huyện Quỳnh Nhai ước đạt hơn 1.500 tấn; trong đó sản lượng cá nuôi hơn 1.000 tấn.

Thương hiệu cá lòng hồ sông Đà ở Quỳnh Nhai bước đầu được thị trường và người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Sơn La ưa chuộng. Việc phát triển nuôi thủy sản ở Quỳnh Nhai đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho người dân ven lòng hồ Thủy điện Sơn La.

Anh Lừ Văn Tuyên, Tổng Giám đốc Liên hiệp hợp tác xã Thủy sản cá sông Đà - Sơn La chia sẻ: Để tạo thương hiệu cá lồng sông Đà tại Quỳnh Nhai, các hợp tác xã và Liên hiệp hợp tác xã đang xây dựng chuỗi sản xuất sản phẩm sạch. Quy trình nuôi là lấy thức ăn tại địa phương như dùng cá nhỏ để nuôi cá và những sản phẩm từ ngô, sắn, cỏ voi để tạo thức ăn phù hợp với điều kiện từng loại cá.

Đồng thời, để tạo thành chuỗi, trong quá trình sản xuất một số đơn vị đã nuôi theo quy trình VietGAP nhằm hướng tới sản phẩm sạch, ứng ra thị trường. Năm 2018, các hợp tác xã sẽ cố gắng tạo chuỗi từ con giống đầu vào, nuôi theo quy trình thực phẩm sạch, lấy chất lượng đặt lên hàng đầu.

Hiện tỉnh Sơn La đã có chủ trương để các hợp tác xã tham gia các gian hàng hội chợ thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm cá sông Đà để tiếp cận các thị trường.

Bên cạnh đó, để xây dựng thương hiệu cá sông Đà, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La đã phối hợp với các huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La tổ chức hội thảo về xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “cá sông Đà” cho sản phẩm cá lồng sông Đà.

Ngoài ra, để giúp người nuôi cá từng bước tháo gỡ khó khăn, huyện Quỳnh Nhai đã có nhiều giải pháp như: Thành lập tổ tư vấn thuỷ sản, trực tiếp hỗ trợ, tư vấn các hợp tác xã; tìm đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cá cho các hợp tác xã.

Huyện Quỳnh Nhai đã tập trung hỗ trợ, định hướng phát triển mô hình hợp tác xã nuôi cá lồng trên lòng hồ theo tiêu chuẩn VietGAP; phát huy vai trò của Liên hiệp hợp tác xã thủy sản để liên kết các hợp tác xã hỗ trợ nhau từ khâu lựa chọn giống, chăm sóc đến bao tiêu sản phẩm...

Ông Đỗ Xuân Thành, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Năm 2018, huyện Quỳnh Nhai tiếp tục thực hiện phát triển và quảng bá sản phẩm cá sông Đà sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; xây dựng mô hình chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ.

Huyện sẽ hỗ trợ phát triển sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm; hỗ trợ kết nối các hợp tác xã với những cửa hàng thực phẩm tại Hà Nội, Sơn La. Huyện cũng sẽ hỗ trợ kết nối thử nghiệm phân phối và lấy ý kiến phản hồi của khách hàng; hỗ trợ báo cáo kết quả thử nghiệm thị trường, phương án phát triển thị trường cho cá sông Đà - Sơn La.

Với mục tiêu phát triển nuôi cá lồng sông Đà theo hướng hiệu quả, bền vững, thời gian tới, huyện Quỳnh Nhai tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã thủy sản đẩy mạnh đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao sản lượng, năng suất và giá trị sản phẩm thủy sản có giá trị kinh tế cao mang tính đặc hữu của vùng; gắn sản xuất với chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm.

Huyện Quỳnh Nhai sẽ phát triển nuôi, đánh bắt thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; gắn phát triển nuôi thủy sản với phát triển du lịch sinh thái lòng hồ Thủy điện Sơn La; có cơ chế khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nuôi thủy sản...

Việc tập trung xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cá sông Đà thành công sẽ góp phần giúp các hợp tác xã, hộ dân nuôi trồng thủy sản ở Quỳnh Nhai yên tâm mở rộng quy mô, từng bước đưa thương hiệu cá lòng hồ sông Đà vươn ra các thị trường lớn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

>>>Thông tin chính thức về vụ án liên quan đến tái định cư Thủy điện Sơn La

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục