Xét xử phúc thẩm vụ án Hà Văn Thắm: Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn giải trình nội dung kháng cáo

16:09' - 23/04/2018
BNEWS Sáng 23/4, phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) cùng đồng phạm bước sang ngày làm việc thứ 4.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã giải trình liên quan đến nội dung kháng cáo.

Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Trước đó, bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) 17 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; tù chung thân về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; tử hình về tội “Tham ô tài sản”; tổng hợp hình phạt, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn phải chấp hành hình phạt chung của 3 tội là: tử hình.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn thừa nhận tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" nhưng đề nghị giảm nhẹ hình phạt. Đồng thời, Sơn kháng cáo kêu oan đối với các tội "Tham ô tài sản" và tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản".

Theo bị cáo, bản chất của vụ án là hành vi chi lãi ngoài vượt trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Bị cáo Sơn cho rằng chỉ có một hành vi nhưng Hội đồng xét xử sơ thẩm kết 3 tội là không đúng. Những bị cáo khác trong vụ án có hành vi chi lãi ngoài như bị cáo cũng chỉ phạt về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Tại phiên tòa, bị cáo Sơn chỉ thừa nhận là nhận tiền từ cá nhân bị cáo Thắm chứ không phải từ Ngân hàng OceanBank. Theo bị cáo Sơn, Hà Văn Thắm nói có những khách hàng cần chăm sóc đặc biệt hơn, trong đó có PVN. Đây là những khách hàng đem lại lợi nhuận lớn, gửi số tiền lớn, là những đối tác tiềm năng và chiến lược của ngân hàng.

Số tiền 246 tỷ đồng mà Tòa sơ thẩm quy kết bị cáo Sơn đã chiếm đoạt có thể hiểu là để chăm sóc khách hàng. Toàn bộ số tiền Thắm đưa để chăm sóc khách hàng chứ không phải để ghi nhận công lao của bị cáo Sơn hay vì mục đích khác.
Tại phiên tòa, bị cáo Sơn lập luận rằng mình không có chức vụ, quyền hạn nên không phạm tội "Tham ô" tài sản vì theo bị cáo, quá trình công tác của mình tách ra làm 2 giai đoạn: Khi là Tổng Giám đốc ở ngân hàng OceanBank thì không còn chức vụ gì ở PVN nữa, đã thanh lý hợp đồng lao động với PVN nên bị quy kết là lợi dụng uy tín của PVN để ép Hà Văn Thắm chi tiền là không đúng, lúc đấy bị cáo chỉ là người làm thuê cho Hà Văn Thắm và hưởng lương.

Giai đoạn 2, khi bị cáo Sơn chuyển từ ngân hàng về lại PVN thì không còn chức vụ gì ở OceanBank. Và số tiền 246 tỷ đồng ở giai đoạn 2 này, bị cáo không còn chức vụ gì ở OceanBank, nên không thể bị quy tội "Tham ô" tài sản của ngân hàng.
Liên quan đến số tiền 246 tỷ đồng này, bị cáo Sơn đã nhiều lần thay đổi lời khai. Tại phiên phúc thẩm, trước câu hỏi của Tòa, bị cáo Sơn giải thích rằng sau khi bị khởi tố, làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra thì bị cáo Sơn có xác nhận những bản kê do Cơ quan điều tra đưa ra.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương trả lời các câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Nhưng sau phiên sơ thẩm, bị cáo Sơn cho rằng: Kê khai như vậy thì Cơ quan điều tra đổ hết tội cho bị cáo, do đó bị cáo Sơn thay đổi lời khai, những khoản chi nhận có bằng chứng thì bị cáo thừa nhận, còn lại thì phủ nhận. Bị cáo Sơn cho rằng mình hoàn toàn chứng minh được những khoản tiền bị cáo Thắm đưa đã tới tay những khách hàng nào, chi bao nhiêu và thời điểm chi.
Hội đồng xét xử hỏi: Nếu không có việc PVN gửi tiền vào ngân hàng thì có thể bị cáo Nguyễn Xuân Sơn sẽ không được mời về làm Tổng Giám đốc OceanBank.

Bị cáo Sơn không phủ nhận nhưng cho rằng, vấn đề quan trọng là Hội đồng Quản trị của OceanBank và Ngân hàng Nhà nước có thông qua, phê chuẩn có đủ tư cách hay không. Theo bị cáo Sơn, từ tháng 1/2009 - 10/2010, khi làm Tổng Giám đốc OceanBank, thời điểm này bị cáo chỉ thừa nhận là đã nhận khoản tiền mà Hội đồng sơ thẩm nhận định là 69 tỷ đồng thông qua Công ty BSC Việt Nam.

Tuy nhiên, bị cáo Sơn cho rằng 69 tỷ đồng là doanh thu của Công ty BSC, sau khi trừ chi phí, thuế thì chỉ còn 30 tỷ đồng. Trước đó, Hà Văn Thắm tính toán rằng, sau khi trừ chi phí còn 50 tỷ đồng.
Còn bị cáo Sơn cho rằng, dòng tiền của Công ty BSC làm ra thì chỉ thu được 30 tỷ đồng, còn tiền khác là khi bị cáo Sơn đã rời ngân hàng. Những khoản Thắm chi cho bị cáo Sơn sau khi rời ngân hàng thì không liên quan đến dòng tiền từ BSC.

Những khoản tiền Sơn nhận từ Hà Văn Thắm thì cũng không phân định được nguồn tiền từ Công ty BSC, tiền cá nhân của bị cáo Thắm hay tiền vay từ bố, mẹ, vợ của bị cáo Thắm...
Về khắc phục hậu quả, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn mong muốn được cho phép dùng các tài sản đã bị kê biên, nhà cửa, cổ phiếu... bán đi để khắc phục bồi thường mà bị cáo phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử cũng nhận được nhiều đơn từ bố, mẹ, vợ bị cáo Sơn mong muốn lấy tài sản của mình để khắc phục hậu quả cho bị cáo Sơn và tại phiên tòa, Nguyễn Xuân Sơn cũng đồng ý phương án này.
* Bị cáo Thắm: Không giúp sức để Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt tiền

Bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Cũng tại phiên tòa, liên quan đến số tiền gây thiệt hại cho OceanBank thông qua Công ty BSC, bị cáo Hà Văn Thắm cho rằng, nếu có sai thì là tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” chứ không phải “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” vì bị cáo Thắm không chiếm đoạt tiền của mình, còn nếu Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt thì bị cáo không biết.

Số tiền thu được từ thu phí ngoại tệ, Hà Văn Thắm nói chi cho Nguyễn Xuân Sơn để bù lãi suất cho khách hàng chứ không phải để Nguyễn Xuân Sơn sử dụng vào mục đích cá nhân.
Khi Luật sư hỏi về hoàn cảnh thời điểm chi tiền cho Nguyễn Xuân Sơn, bị cáo Thắm cho biết: Từ năm 2009, sau khi Thắm bàn bạc với Sơn, lúc đầu bị cáo Thắm lấy tiền của mình chi, sau đó thông qua Công ty BSC. Bị cáo còn lấy tiền của vợ, mẹ, người thân ra chi. Theo bị cáo Thắm, lúc đó hoàn cảnh rất khó khăn.

Trong cáo trạng của Viện Kiểm sát có ghi hành vi của bị cáo chi tiền cho PVN qua bị cáo Sơn là hành vi vụ lợi. Ghi là đúng nhưng bị cáo Thắm nghĩ đó là hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, việc quy kết bị cáo lấy hết tiền của mình, của người thân như thế để giúp sức Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt thì là oan uổng.
Tiếp đó, bị cáo khẳng định mình không biết và không bàn bạc với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn về việc chiếm đoạt tài sản của OceanBank để chuyển cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và khẳng định đó là tiền chăm sóc khách hàng cho PVN cũng như những khách hàng khác. Theo bị cáo Thắm, nếu Nguyễn Xuân Sơn có chiếm đoạt thì cũng là trái mục đích với bị cáo. Bị cáo thừa nhận có phạm tội nhưng không đồng phạm giúp sức.
Trước câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát về lý do khiến bị cáo Thắm chỉ đạo Ngân hàng OceanBank cho lãi ngoài vượt trần, Hà Văn Thắm cho rằng: Quá trình này, các ngân hàng khác cũng làm như thế nên bị cáo và các đồng nghiệp thực hiện vì quả thực không có giải pháp nào khác. Bị cáo mong Viện Kiểm sát xem xét đây là một tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục