Xin phép xây dựng bờ bao, doanh nghiệp đào giao thông hào trên đất rừng tự nhiên

08:45' - 23/04/2017
BNEWS Công ty TNHH Ánh Dương (trụ sở tại TP Buôn Ma Thuột) đã cho máy móc đào giao thông hào dài 10km trên đất rừng tự nhiên thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Yok Đôn, xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn.

Không được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đắk Lắk nhưng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ánh Dương (trụ sở tại thành phố Buôn Ma Thuột) đã cho máy móc đào giao thông hào dài 10km trên đất rừng tự nhiên thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Yok Đôn, xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn.

Trước đó, tháng 7/2016, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ánh Dương có tờ trình gửi UBND tỉnh Đắk Lắk xin điều chỉnh quy hoạch Khu du lịch sinh thái Bản Đôn.

Cụ thể, Công ty Ánh Dương xin xây dựng bờ bao có chiều dài 35km, sâu 3m, rộng 20m trên cơ sở đường bờ bao cũ đã bị bồi lấp (chiều dài 11km) để bảo vệ rừng và vận hành hệ thống xe điện, xe buýt đưa khách du lịch thăm quan, ngắm động vật hoang dã…

UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra hiện trạng, xác định diện tích đất mà doanh nghiệp đề xuất đào xây bờ bao khoảng 28,7ha, chủ yếu là rừng tự nhiên, mật độ cây rừng tương đối dày, cây tái sinh phát triển mạnh.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk:

“Việc xây dựng bờ bao của doanh nghiệp sẽ tác động đến đất có rừng tự nhiên, phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, sử dụng đất theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Trong khi, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp khôi phục rừng bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, không thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác (kể cả các dự án, công trình đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai). Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị Công ty Ánh Dương tìm giải pháp thích hợp, đảm bảo đúng mục đích sử dụng đất, đúng pháp luật để thực hiện dự án một cách hiệu quả”.

Tuy nhiên đến tháng 9/2016, Công ty Ánh Dương lại có tờ trình gửi UBND huyện Buôn Đôn xin đào bờ bao dài hơn 10km (trong 35km đã đề xuất trước đó), trên cơ sở bờ bao cũ đã bị bồi lấp của Công ty Cao su Đắk Lắk xung quanh Khu du lịch sinh thái Bản Đôn.

UBND huyện Buôn Đôn đã đồng ý để Công ty Ánh Dương được nạo vét, tu sửa bờ bao trên cơ sở hiện trạng ban đầu. Theo ghi nhận của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam chiều ngày 20/4/2017, việc san ủi, nạo vét bờ bao đã hoàn thành.

Hệ thống giao thông hào được Công ty Ánh Dương đào khá sâu (3m), dài 10km tạo thành rãnh lớn nên người dân và gia súc của người dân các buôn xã Krông Na không thể qua lại được.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk Nguyễn Đức Việt khẳng định:

Tỉnh Đắk Lắk thực hiện nghiêm quy định không chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên vào các mục đích khác nên khi Công ty Ánh Dương đề xuất xin nạo vét, đào giao thông hào trên đất rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu UBND tỉnh kiên quyết không đồng ý. Việc UBND huyện Buôn Đôn đồng ý để cho Công ty Ánh Dương đào hào trên đất rừng là sai quy định.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Buôn Đôn Nguyễn Thế Thành cho biết:

“Ngoài đường giao thông hào dài trên 10km nói trên, Công ty Ánh Dương cũng vừa gửi đề xuất lên UBND huyện Buôn Đôn cho thi công thêm hệ thống bờ bao có chiều dài khoảng 4km, rộng 10m. Diện tích đất mà công ty này đề xuất nằm ở đường giáp ranh với Trung tâm quản lý bảo tồn voi Đắk Lắk, tuy nhiên huyện Buôn Đôn chưa đồng ý vì không thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện”.

Theo ông Khăm Thuỷ Lào - cán bộ địa chính xã Krông Na, 4km đất rừng mà Công ty Ánh Dương đề xuất đào giao thông hào thuộc rừng phòng hộ, là rừng tự nhiên, cây rừng đang tái sinh và phát triển mạnh mẽ, mật độ cây dày.

Đặc biệt, khu vực này nằm giáp ranh với rừng thuộc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk nên nếu để công ty tiếp tục triển khai hệ thống giao thông hào có chiều sâu và rộng lớn sẽ ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước, nhất là xã Krông Na là khu vực voi rừng thường xuyên kéo về tìm thức ăn.

Trước đó, tháng 5/2016, tại xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, Công ty Hoàn Vũ cũng đã tự ý đào 13km giao thông hào, rộng 6m, sâu 3m để ngăn chặn voi rừng vào phá hoại cây trồng. Sự việc sau đó bị chính quyền phát hiện và xử lý theo quy định./.

>>>

7 khu vực rừng có khả năng cháy lớn ở Đồng Tháp
7 khu vực rừng có khả năng cháy lớn ở Đồng Tháp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục