Xu hướng dịch chuyển mới từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số

17:25' - 06/12/2017
BNEWS Nhiều mô hình thành công từ việc ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 đang đặt các ngân hàng trước những thách thức lớn trong việc thu hút khách hàng thân thiết và gia tăng doanh số.

Ngày 6/12, tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam 2017 do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG Vietnam) đồng tổ chức.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, các ngân hàng Việt Nam hiện đang có sự chuyển động tích cực theo các xu hướng công nghệ mới. Đó là sự chuyển dịch từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số, chuyển đổi mô hình kinh doanh, tăng trải nghiệm khách hàng với những sản phẩm, giải pháp dịch vụ mới về nghiệp vụ; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, quản lý dữ liệu trong điều kiện sử dụng dữ liệu lớn, áp dụng trí tuệ nhân tạo...

Cũng theo ông Nguyễn Toàn Thắng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo thêm nhiều cơ hội, động lực cho các ngân hàng Việt Nam phát triển mảng ngân hàng bán lẻ, đặc biệt trong việc tăng cường ứng dụng những giải pháp kinh doanh sáng tạo và công nghệ đột phá... nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách hàng, nhất là đối tượng khách hàng nhạy bén với công nghệ mới.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đánh giá là đang làm thay đổi mạnh mẽ các ngành và lĩnh vực với hàng loạt các công nghệ mới đột phá như trí tuệ nhân tạo, tự động hoá, Internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây…

Ông Hà Huy Tuấn nhấn mạnh, nhiều mô hình thành công từ việc ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng này như (Uber, Grab, Traveloka, Alibaba, Amazon...) đang đặt các ngân hàng trước những thách thức lớn trong việc thu hút khách hàng thân thiết và gia tăng doanh số.

Theo “Báo cáo về Dịch vụ Ngân hàng: Hành vi sử dụng của người dùng và Xu hướng tại Việt Nam” khảo sát bởi IDG Vietnam năm 2017, các giải pháp về ngân hàng điện tử (e-banking) đang ngày càng được sử dụng phổ biến hơn và được đánh giá cao về tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian với 81% người dùng sử dụng các giải pháp e-banking so với 21% theo khảo sát năm 2015.

Thêm vào đó, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dẫn các số liệu thống kê cho biết, Việt Nam hiện đứng trong top 20 quốc gia có dân số sử dụng internet nhiều nhất thế giới; trong đó 62% người dùng internet mua sắm online.... Thống kê đến hết tháng 9/2017, thanh toán qua mã QR (mã trả lời nhanh) tăng 120% so với đầu năm. Dự báo đến hết năm 2018, sẽ có 50.000 điểm thanh toán qua mã QR so với 5.000 điểm như hiện nay.

Một vài con số trên đây phần nào cho thấy ngành ngân hàng Việt Nam có tiềm năng rất lớn để đón công nghệ 4.0. Tuy nhiên, thách thức đặt ra cũng không ít. Theo ông Cấn Văn Lực, thách thức lớn nhất là việc thay đổi mô hình kinh doanh, văn hóa kinh doanh cũng như về đầu tư công nghệ thông tin, nhân lực, rủi ro công nghệ...

Bàn giải pháp đối với hệ thống ngân hàng, vị chuyên gia này nhấn mạnh, mỗi định chế tài chính cần xây dựng chiến lược kinh doanh mới cho riêng mình trong thời đại công nghệ số song song với việc đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng thông tin, an ninh bảo mật... và quan trọng hơn cả là một khuôn khổ hành lang pháp lý.

Ông Cấn Văn Lực khẳng định: "Con tàu 4.0 đang đi, không chờ ai, lên tàu sớm sẽ tạo lợi thế cạnh tranh và vị thế mới".

Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam là sự kiện hội thảo và triển lãm thường niên có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam. Diễn đàn quy tụ lãnh đạo các ngân hàng và các chuyên gia công nghệ, cùng gặp gỡ và trao đổi chuyên sâu.

Năm 2016, diễn đàn được tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh với chủ đề: "Nâng tầm quyền lợi khách hàng cùng sự phát triển bền vững của ngân hàng số"./.

>>> BIDV năm thứ 2 liên tiếp nhận giải “Ngân hàng bán lẻ tiêu biểu nhất”

>>> Công nghệ số với ngành ngân hàng - Bài 2: Ngân hàng số thúc đẩy tài chính toàn diện

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục