Xu hướng lãi suất âm có thể kéo dài thêm vài năm nữa

06:32' - 06/03/2016
BNEWS Nhật Bản và các thành viên Eurozone là những quốc gia chịu sức ép hạ lãi suất lớn nhất.

Các chiến lược gia tại ngân hàng Barclays nhận định xu hướng lãi suất âm hoặc 0% tại các quốc gia phát triển, đặc biệt là tại Nhật Bản và Khu vực đồng euro (Eurozone), có thể được thực thi thêm vài năm nữa, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương vật lộn với tình trạng tăng trưởng ì ạch và lạm phát thấp.
Theo các chiến lược gia trên, Nhật Bản và các thành viên Eurozone là những quốc gia chịu sức ép hạ lãi suất lớn nhất, trong khi đà phục hồi tốt hơn của kinh tế Mỹ và Vương quốc Anh sẽ cho phép các nước này tăng lãi suất nhanh hơn.
Nhà kinh tế Michael Gapen, thuộc ngân hàng Barclays, nhận định biện pháp nhằm tránh lặp lại những khó khăn của kinh tế Nhật Bản trong hai thập kỷ qua là tái cơ cấu các ngân hàng và công ty “sống dở chết dở”, qua đó khuyến khích khu vực tư nhân tự đổi mới và định hình để khởi động lại đà tăng trưởng.
Tuy nhiên, việc tiến hành biện pháp trên có thể là khó khăn lớn cho các nước Eurozone, khu vực đối mặt với tăng trưởng yếu, lạm phát thấp và hệ thống ngân hàng bị tác động bởi các khoản nợ xấu. Thực tế này càng làm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khó tránh khỏi áp dụng chính sách lãi suất âm.
Năm 1995,Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã hạ lãi suất xuống 0,5%, nhằm nỗ lực phục hồi kinh tế. Kể từ đó, tỷ lệ lãi suất vẫn chưa được điều chỉnh tăng cao hơn.

Bên cạnh đó, BoJ cũng bơm hàng nghìn tỷ yen vào thị trường thông qua chương trình mua trái phiếu (hay còn được gọi là chương trình nới lỏng định lượng).
Hiện nay, BoJ vẫn đang nỗ lực khắc phục tình trạng giảm phát và tăng trưởng thấp. Đầu năm nay, BoJ đã cho áp dụng tỷ lệ lãi suất âm đối với một số khoản tiền gửi của các ngân hàng và đưa Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên thuộc nhóm G7 có tỷ lệ lãi suất đối với trái phiếu kỳ hạn 10 năm dưới 0%.
ECB cũng áp dụng tỷ lệ lãi suất âm đối với khoản tiền gửi tại ngân hàng và dự tiến cắt giảm lãi suất thêm nữa trong cuộc họp tới vào cuối tháng này. Trong khi đó, tháng 12/2015, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất lần đầu tiên trong một thập niên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục