Xuất khẩu 2016: Khó đạt mục tiêu tăng trưởng 10%

06:02' - 08/11/2016
BNEWS Chỉ còn 2 tháng cuối năm, ngành công thương vẫn đang cố gắng dồn lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% cho cả năm 2016.
Ngành da giày Việt Nam đứng trước các cơ hội từ hội nhập quốc tế mang lại. Ảnh: TTXVN

Năm 2016 được coi là năm có nhiều Hiệp định thương mại tư do đã ký kết và có hiệu lực. Tuy nhiên, thay vì mở ra một “chương mới” trong xuất khẩu thì Việt Nam lại phải đối mặt với việc khó hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu tăng trưởng 10%.

Những chia sẻ dưới đây của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ làm rõ hơn về những giải pháp nhằm gỡ nút thắt của năm 2016 và những năm tiếp theo. 

BNEWS: Thưa Bộ trưởng, năm 2016 được coi là năm có nhiều Hiệp định thương mại đã ký kết có hiệu lực. Tuy nhiên, thay vì mở ra một “chương mới” trong xuất khẩu thì Việt Nam lại phải đối mặt với việc khó hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu tăng trưởng 10%. Theo Bộ trưởng, đâu là nguyên nhân chủ yếu? 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện, kết thúc đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó có 2 Hiệp định bắt đầu có hiệu lực trong năm 2016 là Hiệp định Việt Nam - Hàn Quốc và Hiệp định Việt Nam - Liên minh Á – Âu.

Đặc biệt, 8 tháng năm 2016, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này có tăng trưởng cao, cụ thể xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 7,24 tỷ USD, tăng 35,1% so với cùng kỳ 2015 và xuất khẩu sang Liên bang Nga đạt 1,05 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ 2015. 

Tuy nhiên, xuất khẩu trong năm 2016 còn gặp nhiều khó khăn, dự báo tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sẽ không đạt mức 10% so với năm 2015 do bất ổn chính trị tại các thị trường chủ lực làm giảm nhu cầu tiêu dùng, kéo theo giá giảm. Cùng với đó, sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc cũng làm ảnh hưởng nhiều đến thương mại toàn cầu; trong đó có Việt Nam. 

Không dừng lại ở đó, biến động khó lường về giá dầu, xung đột và quan hệ giữa các nước lớn tiếp tục căng thẳng cũng như biến động về tỷ giá, tiền tệ của các nước gây tác động tiêu cực đến giá của hàng hóa Việt Nam so với các nước đối thủ đã tạo thêm sức ép cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, các nước có cơ cấu mặt hàng xuất khẩu tương tự như Việt Nam đã tăng cường các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu do kết quả xuất khẩu những tháng đầu năm không được khả quan cũng khiến Việt Nam gặp phải cạnh tranh gay gắt hơn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: TTXVN

Nhiều nước còn tăng cường áp dụng các biện pháp hàng rào kỹ thuật, yêu cầu chất lượng ngày càng khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là nhóm hàng nông thủy sản. Đáng lưu ý là thời tiết không thuận lợi cũng làm ảnh hưởng đến nguồn cung, năng suất, chất lượng các mặt hàng nông thủy sản xuất khẩu. 

Bên cạnh những tác động khách quan thì vẫn còn nhiều mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực như điện thoại di động, hàng điện tử, dệt may, da giày... có giá trị xuất khẩu cao nhưng các ngành này chưa có ngành công nghiệp hỗ trợ đủ mạnh, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Do đó, dễ bị ảnh hưởng bởi sự biến động giá cả trên thế giới. Mặt khác, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp vừa và nhỏ còn khó khăn mặc dù mặt bằng lãi suất đã giảm cũng là nguyên nhân dẫn đến việc xuất khẩu năm 2016 khó hoàn thành mục tiêu tăng trưởng. 

BNEWS: Bộ trưởng đã từng yêu cầu nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong những tháng cuối năm là tháo gỡ khó khăn cho nhóm hàng nông - lâm - thủy sản. Vậy những giải pháp nào đang được Bộ Công Thương ưu tiên áp dụng để thực hiện nhiệm vụ này trong năm 2016 và những năm tiếp theo? 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Bộ Công Thương, với chức năng và nhiệm vụ được Đảng và Chính phủ giao luôn xác định phải chú trọng công tác hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy và phát triển thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông thủy sản, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người nông dân, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. 

Theo đó, Bộ đã phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện, kết thúc đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt cho các mặt hàng nông, thủy sản. Ngoài ra, đã ký thỏa thuận về hợp tác thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản với Trung Quốc và nhiều Bản ghi nhớ về thương mại gạo với các nước nhập khẩu gạo tại Mỹ La tinh, châu Phi, châu Á…

Bộ cũng đã chủ trì tổ chức thành công các kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ với nhiều nước và tại các cuộc họp Ủy ban liên Chính phủ đều rà soát đưa các nội dung về tháo gỡ rào cản thị trường, giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông lâm thủy sản để trao đổi thống nhất với các đối tác. 

Không những thế, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nắm bắt tình hình áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch, rào cản kỹ thuật và thương mại, các vụ kiện của các nước nhập khẩu đối với nông lâm thủy sản của Việt Nam để kịp thời thông tin cho các đơn vị liên quan và các doanh nghiệp.

Đồng thời chủ động đề xuất các giải pháp và phối hợp thực hiện nhằm đấu tranh có hiệu quả đối với các rào cản kỹ thuật và thương mại không phù hợp với nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. 

Hơn nữa, Bộ còn hỗ trợ và quảng bá nông, lâm, thủy sản Việt Nam ở thị trường nội địa và trên thế giới thông qua Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, hỗ trợ cho các Hiệp hội, địa phương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả trong và ngoài nước.

Đặc biệt, trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu Quốc gia, Bộ đẩy nhanh triển khai nội dung “Xây dựng và phát triển thương hiệu theo ngành hàng” nhằm hỗ trợ cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam; trong đó có các mặt hàng nông thủy sản thế mạnh như gạo, cà phê, cá tra…

Bên cạnh đó, phát huy các dự án hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác, tổ chức quốc tế thúc đẩy tiến trình đăng ký thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu hàng nông sản Việt Nam tại nước ngoài. 

Bộ cũng đã tổ chức nhiều Hội thảo tiếp cận thị trường tại nhiều địa phương nhằm phổ biến thông tin, quy định về thị trường và các ưu đãi trong các Hiệp định FTA đã ký kết, giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi ích về xuất khẩu.

Đồng thời, tổ chức đoàn khảo sát, thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản vào hệ thống phân phối của nước nhập khẩu, một số thị trường. Đáng lưu ý là để hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, Bộ đã triển khai nhiều hoạt động kết nối cung cầu, gắn kết việc tạo nguồn hàng ổn định thông qua các chương trình lớn của Chính phủ, của Bộ để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển theo quy mô lớn nhằm đem lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng. 

BNEWS: Có thể thấy, thời gian không còn nhiều để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu của năm. Vậy để đạt được chỉ tiêu Quốc hội giao, Bộ Công Thương đã có giải pháp nào tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu và hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Để xuất khẩu những tháng cuối năm 2016 cán đích sẽ là một nhiệm vụ rất khó khăn đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp phải tiếp tục cố gắng, nỗ lực.

Bộ Công Thương sẽ chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi tình hình thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu những tháng cuối năm đã được Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 6907/BCT-CNK ngày 27/7/2016 và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có chỉ đạo các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xem xét, xử lý tại công văn số 6817/VPCP-KTTH ngày 17/8/2016. 

Cùng với đó, Bộ tiếp tục tăng cường xúc tiến xuất khẩu hiệu quả, bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Tập trung kinh phí và thực hiện hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại cho các mặt hàng đang gặp khó khăn về giá, thị trường. Đặc biệt, lựa chọn và tập trung xây dựng thương hiệu cho một số ngành chủ lực như dệt may, thủy sản, trái cây, gạo... 

Bên cạnh việc rà soát và đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiến hành kiểm soát hàng giả và hàng không đảm bảo chất lượng nhập khẩu và lưu thông trên thị trường, gây ảnh hưởng đến nguyên liệu sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Ngay từ thời điểm này Bộ cũng sẽ tăng cường dự báo thị trường trong và ngoài nước, phổ biến kịp thời thông tin thị trường để doanh nghiệp nắm rõ các rào cản kỹ thuật và chủ động xây dựng các biện pháp để khắc phục.

Ngoài ra, Bộ Công Thương có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu cho từng ngành hàng xuất khẩu lớn như thủy sản, rau quả, gạo, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, da giày, sắn và các sản phẩm từ sắn…

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai rất nhiều các Đề án; trong đó có Đề án xuất khẩu bền vững đến năm 2020 với 36 đề án thành tố chứa đựng giải pháp không chỉ phục vụ riêng cho xuất khẩu nhưng sẽ đóng góp rất tích cực cho xuất khẩu. Việc tái cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng cũng có ý nghĩa vô cùng cơ bản.

Bởi chỉ có đổi mới mô hình tăng trưởng, từ chiều rộng đến chiều sâu, nâng cao hơn nữa hiệu quả của đầu tư, giá trị gia tăng sản phẩm, đặc biệt thông qua hàm lượng công nghệ cũng như những hàm lượng của năng suất lao động và đáp ứng được yêu cầu cao về mặt qui cách phẩm chất… mới giúp hội nhập hiệu quả và thành công.

Cùng với đó, ngành công thương tiếp tục tham mưu cho các cơ quan chức năng và Chính phủ hoàn thiện môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý của xuất khẩu để giúp các doanh nghiệp khai thác được tối đa nguồn lực.

Ngành cũng tập trung ưu tiên các đề án liên quan đến hình thành các chuỗi sản phẩm từ nông nghiệp đến các lĩnh vực công nghiệp. Đây chính là sự chuyển mình theo định hướng mà Việt Nam sẽ chứng kiến trong năm 2016 và những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tạo sân chơi bình đẳng thì vẫn cần thắt chặt hơn nữa mối liên hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước để nâng cao chất lượng cho sản xuất và xuất khẩu khi Việt Nam hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu.

BNEWS: Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục