Xuất khẩu nông sản vào Hoa Kỳ sẽ tăng mạnh

16:03' - 18/02/2016
BNEWS Trong các thị trường xuất khẩu trọng điểm, nhu cầu thị trường nội địa Hoa Kỳ sẽ tăng mạnh và dự báo cầu vẫn tiếp tục ổn định đối với hàng hóa của Việt Nam.
Tọa đàm Thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS
Năm 2016, xuất khẩu nông lâm thủy sản dự báo sẽ có nhiều triển vọng do nhu cầu thị trường tăng và cơ hội được hưởng ưu đãi lớn về thuế, sức cạnh tranh tăng từ các Hiệp định thương mại tự do. Ngoài các mặt hàng đang gặp khó khăn, vẫn có những mặt hàng có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu như: hạt điều, gỗ, hạt tiêu, sắn và rau quả.


Để tận dụng tốt cơ hội trên, ngày 18/2, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức “Tọa đàm về thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam” với sự tham gia của các Tham tán thương mại, hiệp hội, doanh nghiệp ngành hàng.
Trong các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, nền kinh tế Hoa Kỳ có dự báo khả quan nhất cho năm 2016 với nhu cầu thị trường nội địa Hoa Kỳ sẽ tăng mạnh và dự báo cầu vẫn tiếp tục ổn định đối với hàng hóa của Việt Nam. Việc tận dụng những ưu đãi từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng sẽ là lợi thế cho nông sản Việt Nam trong thời gian tới.
Trong nhiều năm qua, các mặt hàng như gỗ và sản phẩm của gỗ, hàng thủy sản các mặt hàng nông sản khác như: hạt điều, hạt tiêu, cà phê… của Việt Nam được tiêu thụ lớn tại Hoa Kỳ. Sự hấp dẫn của thị trường Hoa Kỳ cũng đồng nghĩa với sự cạnh tranh xuất khẩu vào thị trường này rất quyết liệt, đặc biệt những đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam là Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia – là những nước tương đồng với Việt Nam về các mặt hàng xuất khẩu. Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cho hay.
Ông Lê Văn Bảnh cho rằng, không chỉ riêng Hoa Kỳ, cần tiếp tục duy trì xúc tiến thương mại xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản đáp ứng yêu cầu chất lượng, có giá trị gia tăng cao tại thị trường. Đồng thời thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản tại thị trường nước ngoài.
Chẳng hạn mặt hàng hoa quả tươi, trước ngày 17/4/2015, Australia chưa cấp phép một mặt hàng nào của Việt Nam xuất khẩu vào đây, lần đầu tiên trái vải đã vào được thị trường này.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại tại Australia cho biết, đây là thị trường rất tiềm năng nhưng lại có quy định về an toàn thực phẩm rất ngặt nghèo để bảo hộ nền nông nghiệp của họ. Hi vọng thời gian tới sẽ có thêm sản phẩm xoài được vào Australia.

Xuất khẩu nông sản vào Hoa Kỳ sẽ tăng mạnh. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, qua sản phẩm dẫn đầu này, bà Thúy cho rằng, trái cây Việt Nam phải giải được bài toán cả về giá cả và chất lượng nếu không sẽ không vào được Australia. Như sản phẩm vải, mặc dù vùng trồng vải ở miền Bắc, nhưng lại chỉ có duy nhất cơ sở chiếu xạ ở miền Nam nên chi phí sẽ tăng cao.
So sánh về sự canh tranh về giá, bà Thúy chỉ ra, ở Thái Lan chi phí cho chiếu xạ chỉ có 0,3 USD/kg; trong khi ở Việt Nam lại từ 0,5-0,8 USD/kg. Chi phí vận chuyển hàng không ở Thái Lan cũng chỉ 1,6 USD/kg, nhưng ở Việt Nam lại 2,6 USD/kg mà đã được sự hỗ trợ của ngành hàng không. Do đó, cần xem xét đầu tư khu đóng gói, kho lạnh, chiếu xạ… gắn với vùng nguyên liệu.
Về chất lượng sản phẩm, bà Thúy cho biết, vẫn có tình trạng doanh nghiệp không tuân thủ quy định của Australia. Nếu doanh nghiệp không tuân thủ thì nên dừng ngay tại Việt Nam. Bởi vào được thị trường đã khó nhưng giữ thị trường còn khó hơn.
Là năm đầu tiên xuất khẩu, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc lưu trữ hồ sơ nên cần có cán bộ sang nắm rõ quy trình kiểm dịch của Australia để hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp, bà Thúy khuyến cáo.
Liên quan đến việc mở cửa thị trường sản phẩm trái cây Việt Nam, ông Hoàng Trung, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ cho biết, hiện Việt Nam đã hoàn tất đàm phán nhiều sản phẩm sang nhiều thị trường như: vú sữa, xoài sang Mỹ; vải, thanh long ruột trắng sang Nhật Bản; thanh long sang Đài Loan (Trung Quốc)… Thời gian tới, Tham tán Thương mại các nước cần tích cực hỗ trợ để nhanh chóng xuất khẩu các sản phẩm vào các thị trường trên.
Ông Phạm Thế Cường, Tham tán Thương mại tại Ai Cập cũng cho biết, Ai Cập là thị trường có nhiều cơ hội kinh doanh đối với nông thủy sản. Nhiều hàng hóa nông thủy sản Ai Cập không trồng lại là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như tiêu, điều, cá tra... Nông nghiệp của Ai Cập cũng khó có thể phát triển mạnh sản xuất khi luôn thiếu nước trầm trọng. Tuy nhiên, gần như không có đoàn xúc tiến thương mại nào sang thị trường này.
“Không có đoàn xúc tiến thương mại sang Ai Cập, các Tham tán phải làm ngược trở lại là giới thiệu với các doanh nghiệp Ai Cập về Việt Nam”, ông Cường cho biết.
Để chủ động thích ứng với những biến động của thị trường, sẵn sàng ứng phó với những vấn đề phát sinh trong thương mại, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đề nghị các Tham tán thương mại tích cực cung cấp kịp thời thông tin, dự báo thị trường, cảnh báo các quy định về rào cản, vấn đề phát sinh có thể gặp đối với hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu, phối hợp giải quyết các vướng mắc, tranh chấp thương mại; đồng thời tạo mạng lưới thông tin thị trường nông lâm thủy sản thông suốt, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong xuất khẩu.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng mong muốn, tăng cường phối kết hợp giữa hai Bộ trong việc tiếp tục mở cửa thị trường nông lâm thủy sản Việt Nam, giữ vững và phát triển thị trường khó tính, chú trọng các thị trường tiềm năng, dễ tính như các nước Trung Đông, các nước châu Phi, khai thác có hiệu quả các thị trường truyền thống như ASEAN, EU./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục